Coi chừng thao túng

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một chủ trương đúng, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, mọi doanh nghiệp đều phải kinh doanh cạnh tranh bình đẳng với nhau. Nếu không kịp thời “cai sữa”, chấm dứt sự bảo bọc của Nhà nước thì những DNNN vốn quen với sự bảo bọc này sẽ có nguy cơ “chết ngợp” khi ra trận.

Hơn nữa, với các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, đã đến lúc cần sắp xếp lại, cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn để thu hút những nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư vốn, thay đổi cung cách quản trị, nâng chất và lượng, giúp doanh nghiệp phát triển. Thế nhưng, chủ trương đúng đó phải đi kèm cách làm thận trọng, bám sát từng đơn vị đặc thù, chống cào bằng, dẫn đến thất thoát.

Vấn đề thứ nhất cần quan tâm là trước chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thời gian qua, không ít tập đoàn (có nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài) chuyên “săn” các DNNN làm ăn có lãi để thao túng thị trường. Điển hình, Công ty Cholimex Food nổi tiếng với các loại tương cà, tương ớt - cũng là công ty con chủ lực, mang lại nguồn lợi nhuận khủng cho Tổng Công ty Cholimex - liên tục bị tập đoàn thực phẩm bên ngoài săn đuổi trong tiến trình cổ phần hóa. Mục đích của họ là mua cổ phần để nắm quyền kiểm soát kinh doanh và rồi sáp nhập với tập đoàn của họ nhằm độc quyền chiếm lĩnh thị trường. Do vậy, trong tiến trình cổ phần hóa, cần xem xét lộ trình và quy chuẩn đối với DNNN, nếu làm ăn có lãi thì không cần phải bán cổ phần quá bán. Nhà nước cần tập trung trước hết là sắp xếp, cổ phần hóa những DNNN làm ăn kém hiệu quả, không có lãi rồi sau đó mới tính đến bán cổ phần doanh nghiệp có lãi. Đối với DNNN làm ăn có lãi, việc thoái vốn, cổ phần hóa thì vấn đề quan trọng nhất là xác định tỷ lệ giá trị cổ phiếu bán ra, bởi không cần thiết phải “đổi chất” khi mà bộ máy nhân sự hiện tại đã và đang làm ăn có lãi.

Vấn đề thứ hai là trong thực tiễn đã nảy sinh một số rắc rối khi xác định tỷ lệ giá trị chuyển nhượng cổ phần để cổ phần hóa. Nếu không tính toán kỹ, mục tiêu cổ phần hóa để nâng cấp doanh nghiệp sẽ không thực hiện được. Đối với những DNNN kinh doanh thua lỗ, cần phải đổi mới, cần nhân tố mới, cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì xác định rõ phải bán trên 70% giá trị doanh nghiệp. Với số lượng cổ phần bán ra lớn, các cổ đông sẽ biết cách chọn - thuê người có năng lực để điều hành, quản trị làm sinh lợi đồng vốn của nhà đầu tư. Nếu chúng ta bán với mức trên 50% (chỉ chênh lệch vài phần trăm) giá trị doanh nghiệp thì dễ nảy sinh vấn đề là ban giám đốc cũ sẽ bỏ tiền ra mua vài phần trăm chênh lệch đó, rồi với các mối quan hệ cũ sẽ cộng vào cổ phiếu do Nhà nước sở hữu thì đạt trên 50%, như vậy ban quản trị cũ sẽ tiếp tục quản trị doanh nghiệp. Việc này, đối với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, sau khi cổ phần hóa, cũng những con người cũ quản trị thì kỳ vọng phát triển doanh nghiệp là rất khó.

Ngoài ra, cũng chính việc bán cổ phần ở mức lững lờ 50% - 50% sẽ dẫn đến tranh giành quyền lực, đấu đá giành ghế mà không tập trung lo kinh doanh. Thực tế có không ít DNNN sau khi cổ phần hóa, các phe trong, phe ngoài “đánh nhau” để giành quyền quản trị. Kết quả là hoạt động kinh doanh không được quan tâm, nội bộ xâu xé lẫn nhau, để rồi doanh nghiệp càng thua lỗ, mất cả thương hiệu đã xây dựng được từ trước.

Một vấn đề quan trọng khác là cần có cơ chế giám sát trong việc định giá cổ phần. Bởi không làm kỹ khâu này, vốn nhà nước có nguy cơ bị định giá thấp, những cá nhân trong công ty sẽ thao túng, mua và giành quyền kiểm soát. Hậu quả là nguồn vốn của Nhà nước bị thất thoát về tay một số cá nhân.

Do vậy, việc đẩy nhanh, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện là đúng chủ trương, định hướng phát triển của cơ chế thị trường thời mở cửa. Nhưng, việc thực thi là vấn đề cần quan tâm hơn nữa.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục