Cơm không lành

Trong lời bình đăng trên tài khoản Tweeter vào sáng 1-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: “Mỹ đã dại dột trao Pakistan hơn 33 tỷ USD viện trợ trong vòng 15 năm trở lại đây, và họ đã không cho chúng ta điều gì ngoài những lời dối trá và lừa dối, xem các nhà lãnh đạo của chúng ta như kẻ ngốc”. 
Tổng thống Donald Trump dọa cắt viện trợ cho Pakistan vì 'lừa dối' Mỹ
Tổng thống Donald Trump dọa cắt viện trợ cho Pakistan vì 'lừa dối' Mỹ
Theo Donald Trump, Pakistan đã “cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố” mà Mỹ săn lùng ở Afghanistan. 
Kết quả là Mỹ đã ngừng cung cấp viện trợ quân sự hàng năm trị giá 225 triệu USD cho Pakistan. Truyền hình Fox News trích lời người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ mong muốn Pakistan có hành động quyết liệt chống lại các phần tử khủng bố và các tay súng trên lãnh thổ của họ, và hành động của Pakistan trong việc ủng hộ chiến lược của Mỹ ở Nam Á sẽ quyết định đường lối của mối quan hệ của 2 nước, bao gồm cả viện trợ an ninh trong tương lai. Khoản tiền 255 triệu USD là một phần trong gói viện trợ trị giá 1,1 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2016. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết chính quyền sẽ tiếp tục xem xét mức độ hợp tác của Pakistan trong lĩnh vực an ninh trước khi đưa ra các quyết định mới.
Ngay lập tức, theo Express Tribune, Bộ Quốc phòng Pakistan đã phản ứng với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phía Pakistan khẳng định: “Pakistan là đồng minh chống khủng bố đã cho phép Mỹ sử dụng miễn phí thông tin liên lạc, không phận, lãnh thổ, căn cứ quân sự và sự hợp tác về an ninh trong 16 năm qua, nhưng Mỹ không cho chúng tôi thứ gì ngoài sự phản đối và không tin cậy”. Pakistan cũng đã triệu tập Đại sứ Mỹ David Hale để phản đối phát biểu của Tổng thống Donald Trump trên Tweeter. Pakistan cho rằng họ mất mát nhiều thứ trong cuộc chiến chống khủng bố. Nếu Mỹ giảm hoặc đình chỉ viện trợ cho Pakistan hoặc đưa ra bất kỳ lệnh trừng phạt nào, nước này sẽ sửa đổi hoàn toàn chính sách với Mỹ. Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi triệu tập một cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia (NSC) vào ngày 3-1 để thảo luận về lộ trình hành động của Pakistan với Mỹ. Cuộc họp này có sự tham dự của Ngoại trưởng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng, tư lệnh các binh chủng, các quan chức cao cấp và quân đội. 
Các nguồn tin từ Islamabad đánh giá Mỹ đã thất bại trong việc cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Pakistan che chở cho khủng bố và Mỹ đổ lỗi cho Pakistan chỉ nhằm che đậy những thất bại của Washington ở Afghanistan. Sự nghi kỵ của Mỹ với Pakistan đã tồn tại từ hàng chục năm qua, đỉnh điểm là kế hoạch tiêu diệt Bin Laden do Mỹ tiến hành trên đất Pakistan vào ngày 1-5-2011 nhưng hầu như Pakistan không hay biết. Một ngày sau cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden, Chính phủ Pakistan đã tố cáo Mỹ đã “hành động đơn phương trái phép” và sẽ không được dung thứ trong tương lai, rằng “sự kiện như vậy sẽ không được coi là tiền lệ cho bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ”.
Ngoài hợp tác chống khủng bố, Pakistan còn là vùng đệm quan trọng với Afghanistan. Một khi Pakistan giảm sự phụ thuộc vào Mỹ thì nước này sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế, trong đó có việc đẩy nhanh chiến lược tăng cường quan hệ ngoại giao, thương mại và các mối quan hệ với Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác. Khi đó, theo các nhà phân tích, cái giá của Mỹ phải trả chắc sẽ cao hơn số tiền viện trợ cho Pakistan mà họ đang giữ lại.

Tin cùng chuyên mục