Con đường đau khổ

Giữa năm 2008, dự án nâng cấp quốc lộ 27 nối Ninh Thuận – Lâm Đồng chính thức khởi công, nhưng rồi ngày tháng qua đi, công trình cứ kéo dài. Người dân địa phương, người đi đường cứ mãi mệt mỏi với con đường nắng bụi, mưa lầy.
Con đường đau khổ

Giữa năm 2008, dự án nâng cấp quốc lộ 27 nối Ninh Thuận – Lâm Đồng chính thức khởi công, nhưng rồi ngày tháng qua đi, công trình cứ kéo dài. Người dân địa phương, người đi đường cứ mãi mệt mỏi với con đường nắng bụi, mưa lầy.

Ngổn ngang

Từ xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận chạy ngược lên đèo Ngoạn Mục, quốc lộ 27 - tuyến  đường nhựa vốn đã xuống cấp nghiêm trọng, giờ đây được đào bới lên để nâng cấp, vậy là ngổn ngang vật liệu, đầy rẫy “hố bom”, những cống bê tông chất cao thành đống. Đường bị cày nát, trời nắng bụi bay mịt mù, trời mưa các “ổ gà”, “ổ trâu” ngập đầy nước, trở thành những cái bẫy rình rập. Khổ nhất là những người dân sống hai bên tuyến đường. Gần 3 năm qua, họ luôn phải sống trong cảnh bụi bặm, ồn ào và nỗi ám ảnh tai nạn giao thông. Từ nhà kiên cố cho đến nhà cấp 4, đều được che chắn, cửa đóng kín nhưng bụi cát vẫn nhuốm đầy, hoạt động kinh doanh - dịch vụ gần như bị tê liệt.

Con đường đau khổ ảnh 1

Những chuyến xe khách từ Khánh Hòa, Ninh Thuận lên Lâm Đồng đang “lắc lư” với đường đèo Ngoạn Mục. Ảnh: B.Nguyên

Suốt mấy chục cây số lên đèo Ngoạn Mục là cả một chặng đường đau khổ. Cung đường đèo Ngoạn Mục vốn rất… ngoạn mục bởi những đèo dốc uốn lượn quanh co, bây giờ, dự án sẽ mở rộng, nắn các đoạn cua cho đỡ gấp khúc. Tuy nhiên, suốt thời gian dài vẫn ngổn ngang đất đá, chỉ thi thoảng gặp một lán trại, với lèo tèo vài công nhân làm việc cầm chừng. Mỗi lúc mưa to gió lớn, đất đá sạt lở, cây cối đổ lấp, lại huy động xe máy ra thông đường.

Chẳng biết bao giờ xong

Ông Nguyễn Quốc Khánh, chuyên viên Ban quản lý dự án 2 cho biết, có 2 lý do chậm: Thứ nhất hết vốn, không có tiền để chi trả cho các đơn vị thi công; thứ hai, giải tỏa mặt bằng chậm. Ông chỉ có thể cho biết như vậy. Còn ông Trương Bình Hanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ biết rằng: “Đây là dự án của bộ làm chủ đầu tư, sở không quản lý, nhưng tiến độ thi công quá chậm, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình giao thông trên địa bàn…”. Theo thống kê của Ban an toàn giao thông huyện Ninh Sơn, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 28 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 34 người, bị thương 25 người, hầu hết các vụ TNGT đều xảy ra trên tuyến quốc lộ 27.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận bức xúc nói: Trước đây, từ Phan Rang lên Đà Lạt mất 3 giờ, nay phải mất 4 giờ. Đường đi rất vất vả. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Ninh Thuận, mà còn ảnh hưởng đến cả Lâm Đồng nữa.

Bà con Ninh Sơn (Ninh Thuận) nhìn con đường ngao ngán: Chẳng biết khi mô mới xong. Còn tại kỳ họp HĐND mới đây của tỉnh Lâm Đồng, cử tri huyện Đơn Dương cũng phản ánh bức xúc về tình trạng thi công chậm trễ, kéo dài của quốc lộ 27 đoạn qua huyện này (khởi công từ 1-12-2008).

Khi nào quốc lộ 27 hoàn thành? Vẫn chưa có câu trả lời, chỉ biết, trước mắt, đây vẫn là con đường đau khổ.

Việc triển khai dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 27 qua địa phận Ninh Thuận – Lâm Đồng xuất phát từ thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2007-2010.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 96km, bắt đầu từ ngã ba Phinôm - Đức Trọng, đến huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) qua đèo Ngoạn Mục, đến Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). Dự án được chia làm 11 gói thầu, tổng kinh phí đầu tư 966 tỷ đồng do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án 2 (Bộ GTVT) được giao  quản lý dự án. Địa bàn Ninh Thuận có 6 gói thầu, bắt đầu được khởi công ngày 19-7-2008.

BÌNH NGUYÊN – BÌNH AN

Tin cùng chuyên mục