Già làng Hồ Xếp, thêm một cái tết này là bước qua tuổi 85 nhưng vẫn còn tráng kiện lắm, vững chắc như cây lim, cây gõ tốt giữa núi rừng Trường Sơn. Già bảo: “Đồng bào Khùa miềng năm ni đón cái xuân mới từ rất sớm vì có con đường mới. Con đường Đảng, Nhà nước, bộ đội biên phòng làm cho thiệt mừng trong cái bụng!”.
Con đường mơ ước
Từ thị trấn Quy Đạt, trước khi chúng tôi quyết định làm một chuyến đi vào vùng Lòm, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), anh em đồng nghiệp ở Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện khuyên rằng: “Nên chọn một ngày nắng ráo mà vô Lòm”. Như rất nhiều người, vùng Lòm đối với chúng tôi vừa lạ, vừa quen. Quen vì đã biết qua những câu chuyện kể về vùng đất cực kỳ khó khăn của huyện Minh Hóa, là nơi định cư của đồng bào dân tộc Khùa, Mày. Lạ, vì chưa một lần đặt chân đến!
Khi vào khu vực biên giới, chúng tôi ghé Đồn biên phòng 589 đứng chân tại địa bàn xã Trọng Hóa để nhờ sự giúp đỡ. Biết chúng tôi vào Lòm, thiếu tá Nguyễn Đức Thuận, Đồn phó phụ trách quân sự, chỉ kịp ghi cho vài chữ làm tin với lời nhắn nhủ: “Các anh vô trong đó, gặp anh em ở tổ biên phòng tại bản Dộ, sẽ được hướng dẫn tận tình”.
Rời khỏi quốc lộ 12A, chúng tôi rẽ về phía phải và qua hết bản Ra Mai, con đường bắt đầu xuyên giữa núi rừng. Con đường mơ ước của đồng bào dân tộc Khùa, Mày cứ bám theo một bên là núi đá chênh vênh, một bên là vực sâu thẳm, lúc đâm xuống lòng suối, lúc lại chạy lên những con dốc cao hút mắt. Chỉ chưa đầy 23 cây số, công trình giao thông đường vào Lòm mất đến 6 năm trời đằng đẵng để hoàn thành, với tổng mức đầu tư đến 80 tỷ đồng.
Hồ Lờng, một cư dân ở đây, nói: “Con đường của Đảng đi xuyên núi rừng, nối bản xa nhất đến với bản gần nhất. Đảng cho con đường này là dân bản ấm no. Con đường thế kỷ đấy. Truyền đời truyền kiếp, người Khùa, người Mày xẻ rừng mà đi, có đường đâu, nay có đường ô tô vào tận từng bản, cười vui mà nước mắt cứ trào ra. Bây chừ, đêm đêm mình không tin, nhưng mà sáng dậy mở mắt là tin có con đường trước mắt, vẫn tưởng như mơ”.
Đổi thay vùng đất mới
Gọi là bản Lòm, nhưng theo lời giải thích của thiếu tá Trần Danh Tuyên, cán bộ vận động quần chúng của Đồn biên phòng 589 - hiện tại đang “ba cùng” với dân bản: “Gọi tên vùng Lòm thì đúng hơn. Ngày trước, bà con dân tộc sống du canh, du cư lập bản trên những đỉnh núi cao chót vót, từ bản này đến bản khác phải mất vài ba ngày đường. Nghe lời tuyên truyền vận động của bộ đội biên phòng, chính quyền đồng bào đã “hạ sơn” xuống định canh định cư tại vùng đất bây giờ, hình thành nên 4 cụm bản: Dộ, Tà Vừng, KChăm và Si. Bản Si là bản cuối cùng gần với cột mốc biên giới N11 nhất, giáp bản Cô-Ne của nước bạn Lào. Từ bản Si lên cột mốc N11 đi bộ mất một ngày đường”.
Dân số vùng Lòm hiện tại có 108 hộ, 627 khẩu, trong đó bản Dộ 33 hộ, 188 khẩu; bản Tà Vừng 22 hộ, 128 khẩu; cụm bản KChăm-Si 53 hộ, 311 khẩu. Hồ Biên, Trưởng bản Si kể rằng: “Trước đây, đồng bào trồng được một chút lúa rẫy, còn chủ yếu cái ăn hàng ngày là sắn. Những ngày mưa lũ, các bản vùng Lòm bị cô lập, gạo cứu trợ dưới xuôi lên không đưa vào được, đói đứt bữa. Nay thì khác rồi, nhà nước cho gạo ăn, làm nhà cho ở, xây trường cho con em học... mừng cái bụng!”.
Hồ Xăng, người bố của 5 đứa con thêm vào: “Mấy đứa con tao được đi học hết cả, trước nhờ cán bộ biên phòng dạy cho cái chữ, nay con em của bản đã có thầy cô giáo miền xuôi lên rồi. Ngày trước mỗi khi có người đau ốm phải khiêng đi mất đến ba ngày đường. Bây giờ, mượn cái xe máy, chở ra trạm xá chỉ chưa đầy ba giờ đồng hồ thôi!”. Bản Dộ, bản Tà Vừng, bản Si đã hình thành nên các cụm trường học, con em dân bản được học ngay từ cấp mầm non và lớp một, lớp hai. Có 10 thầy cô giáo dưới xuôi lên cắm bản và 128 học sinh lớp một, lớp hai theo học ở các điểm trường.
Tấm lòng của Đảng
Già làng Hồ Xếp đã sống gần trọn một đời người ở đây chứng kiến bao biến thiên, thăng trầm của vùng Lòm. Già nói: “Chừ tao chết cũng cam, có con đường, người dưới xuôi lên, dân bản biết học cái hay, cái tốt, cái văn minh. Người Khùa, người Mày vùng Lòm ngày trước rất xa lạ, không biết đến cái tết cổ truyền như người dưới xuôi. Đồng bào chỉ có hai cái tết riêng của mình là tết xuống đồng và tết cơm mới. Mà cũng giản đơn lắm! Khi bắt đầu vào mùa rẫy mới dân bản làm một cái lễ để cúng trời đất, thần núi, thần sông, tổ tiên... cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu một vụ mùa bội thu. Kết thúc một mùa rẫy, bà con lại tổ chức tết cơm mới. Nói cơm mới oai chứ đã tự tay làm được hạt gạo nào đâu. Quanh năm ăn gạo của Đảng, của Nhà nước cấp nên thấm tình thấm lòng lắm”.
Ngày trước Đồn biên phòng 585 - Cà Xèng đóng tại vùng Lòm. Cứ mỗi lần đón tết cổ truyền, cán bộ, chiến sĩ của đồn đều mời dân bản chung vui. Rồi qua từng năm, bà con quen dần và bây giờ tết cổ truyền của dân tộc không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào.
Hồ Biên, Trưởng bản KChăm nói: “Bộ đội biên phòng là người của Đảng mới cho dân bản mình biết tết của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Chừ năm mô người Khùa, người Mày cũng theo bộ đội biên phòng đón tết cổ truyền, ấm lòng ấm dạ lắm. Bây giờ người dân bản mình ăn tết có nếp trắng gói bánh, có thịt lợn dùng trong 3 ngày. Trẻ con được người lớn mua cho tấm áo mới, đổi đời so với trước nhiều lắm”.
Con đường đã mở, thênh thang nối từ quốc lộ 12A đến vùng Lòm, các bản Dộ, Tà Vừng, KChăm, Si... Tấm lòng của Đảng dày như ngọn núi Giăng Màn ngàn đời bên người Khùa, người Mày để soi đường dân bản đi lên.
MINH PHONG