Con gái Hàng Đào

Con gái Hàng Đào

Những người yêu Hà Nội luôn nặng lòng với những ký ức xưa cũ. Và một trong vài điều không mấy ai quên được là nét đẹp của những cô gái Hàng Đào. Vẻ đẹp ấy vẫn được truyền tụng trong rất nhiều câu chuyện nhưng hình như con gái Hàng Đào bây giờ đã khác xưa rất nhiều…

  • Phố và người trong nuối tiếc…
Con gái Hàng Đào ảnh 1

Nét duyên con gái Hàng Đào.

Hàng Đào là một trong những con phố cổ nhất Hà Nội. Nơi đây ngày xưa có nghề nhuộm màu và theo nhiều nhà nghiên cứu, từ “đào” (hay “điều”) với nghĩa “màu đỏ” là xuất phát từ cái nghề nhuộm màu này. Về thời gian, có thể chia Hàng Đào thành bốn giai đoạn: từ xưa đến năm 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1988 và từ 1988 đến nay. Nhìn chung, từ trước tới nay, Hàng Đào luôn được xem là phố giàu có nhất Hà Nội. Từ 1945 về trước, Hàng Đào chủ yếu là nơi sinh sống của những ông quan về hưu. Và ở đó, các bà vợ quan mở cửa hàng buôn bán tơ lụa tại gia. Đầu thế kỷ 20, các thương gia Ấn Độ tới đây buôn bán và cũng mở các cửa hàng tơ lụa, vải vóc nên người Pháp gọi con phố này là phố tơ lụa (rue de la Soie).

Trong thời kỳ thuộc Pháp, dân Hàng Đào vẫn giàu sang phú quý và giữ được truyền thống kinh doanh. Sau năm 1954, nhiều nhà buôn lớn ở Hàng Đào vào Nam, sang Pháp, Mỹ, Thái Lan và thay vào đó là làn sóng nhập cư mới. Có gần 90% người Hàng Đào hiện nay là thuộc vào “làn sóng mới” sau 1945. Hàng Đào giờ đa phần là các cửa hiệu kim hoàn, thời trang, đồng hồ… chứ không đơn thuần là phố “rue de la Soie” nữa. Và lẽ đương nhiên, Hàng Đào cũng đã có nhiều thay đổi về yếu tố văn hóa trong kinh doanh, cũng như lối sống.

Nhà văn Băng Sơn, chuyên viết về nét đẹp Hà Nội xưa, ví những cô gái Hàng Đào trong quá khứ đẹp đến vẹn toàn, thậm chí như huyền thoại. Khi nào họ cũng mặt hoa da phấn, ăn mặc chải chuốt, đoan trang ngồi bán hàng và mỗi lời nói của các cô khiến khách hàng không dễ bỏ đi… Hầu hết họ được dạy dỗ khá nghiêm ngặt về bổn phận người phụ nữ trong gia đình. Nói cách khác, con gái Hàng Đào “xịn” ăn nói cực kỳ nhẹ nhàng, khéo léo, không mất lòng người khác bao giờ. Và hơn hết, con gái Hàng Đào xưa có biệt tài kinh doanh nhưng là sự kinh doanh khôn ngoan chứ không phải cái kiểu chụp giựt như bây giờ.

  • Những cô gái “đồ hiệu”

Cô Nguyễn Ngọc Lan, sống trong con ngõ tối mịt ở Hàng Đào có một cái nhìn khá cay nghiệt: “Con gái Hàng Đào giờ ấy à, chỉ tối ngày ăn diện đủ các loại mô đen, tóc nhuộm xanh đỏ tím vàng, không lo học, chỉ ngong ngóng các anh có A-còng hay Dylan tới đón. Chúng chẳng còn chút duyên gì của con gái Hà Nội nữa!”.

Cô Lan là người gốc Hàng Đào và câu chuyện về cách dạy con, cháu trong gia đình cô nghe có vẻ thật xa lạ với lớp trẻ bây giờ: “Năm tôi mười tuổi, bà nội và mẹ tôi đã hướng dẫn tôi đi chợ mua đồ, rồi nấu ăn. Bà nội nói vui, con gái ra chợ liếc một cái, đồ gì ngon phải biết ngay! Ngày Tết, ngày lễ tôi thường phải ngồi quan sát bà và mẹ nấu nướng, để học từng cách thức nấu các món ăn từ đơn giản đến phức tạp. Rồi luôn phải học cách ứng xử với người trên, kẻ dưới… Nói chung, con gái thời chúng tôi được các cụ uốn nắn theo khuôn phép ghê lắm, chứ không dễ dãi, buông tuồng như bây giờ”.

Con gái Hàng Đào ảnh 2

Cô Nguyễn Thị Yến - con dâu Hàng Đào.

Tản bộ qua Hàng Đào mỗi buổi chiều, nhất là vào mùa hè, trên con phố ước tính khoảng 400m này, người ta sẽ được chiêm ngưỡng các kiểu quần áo, giày dép, màu tóc, điện thoại... đời mới nhất. Và họ được phong là những cô gái sành điệu hay “đồ hiệu”. Chị Hoàng Thị An (phố Gia Ngư, nối ngang với Hàng Đào) than: “Dạy con bây giờ khó quá! Chúng chỉ thích tiêu tiền, có mốt gì mới là vòi vĩnh mua bằng được, học hành bỏ bê, mẹ nói thì cãi lem lẻm”.

Theo nhiều người, sở dĩ có sự thay đổi chóng mặt như vậy là do người dân tứ phương về sống và kinh doanh ở Hàng Đào đông quá. Như váng mỡ nổi, họ khoác cho mình cái nhãn mác Hàng Đào chứ ít ai thẩm thấu được những giá trị văn hóa mà nhiều đời người ở đây mất công tạo dựng nên. Đất Hàng Đào thì ngày càng cao giá, hiện tại thì phải 30 – 40 cây vàng một mét vuông. Thế nhưng, có vẻ như con gái Hàng Đào bây giờ không còn “cao giá” như ngày xưa?! Có lẽ bởi những điều đó, nên việc “lấy vợ Hàng Đào” không còn là niềm tự hào của các chàng trai như thủa nào.

  • Con dâu Hàng Đào

Một thực tế, các cô gái sinh ra và lớn lên ở Hàng Đào đa số đều rời khỏi nơi này khi đến tuổi lập gia đình. Thành thử, các cô dâu tứ xứ lấy chồng Hàng Đào lại là những người duy trì, trân trọng cái nề nếp, gia phong của gia đình nhà chồng, rồi tiếp tục dạy dỗ cho các cô con dâu, con gái của mình theo cung cách đó.

Cô Nguyễn Thị Yến, làm dâu ở nhà 72 - Hàng Đào đã 26 năm nay, kể: “Khi tôi về nhà chồng, mẹ chồng cùng các chị dâu đã rèn tôi từng li, từng tí một. Thời gian đầu quả thực hơi khó chịu nhưng dần dà rồi cũng quen. Càng có tuổi, tôi càng hiểu đó là những điều quý giá. Tới nay, tôi vẫn luôn bảo ban con gái, con dâu những điều tương tự. Tất nhiên không thể giống hoàn toàn như xưa nhưng tôi tin là chúng sẽ vâng lời”.

Cũng như cô Yến, bà Vân lấy chồng ở Hàng Đào đã gần 40 năm nay. Theo bà Vân, lối sống ở Hàng Đào bây giờ khác xưa nhiều lắm. Có thể nói là sự đảo ngược. Tuy nhiên, gia đình bà vẫn quen nếp cũ và bà tự hào vì điều ấy: “Con trai, con gái tôi đã lớn cả rồi nhưng tôi vẫn thích đi chợ mua đồ về nấu cho cả gia đình. Đương nhiên, mọi người trong nhà thường xuyên có mặt đầy đủ trong những bữa ăn. Đó là nếp sinh hoạt mà các gia đình hiện đại ngày nay không dễ gì có được”.

Con gái Hàng Đào ảnh 3

Nguyễn Thu Hạnh - Sinh viên Học viện Ngân Hàng (72 Hàng Đào).
Ảnh: MINH ĐIỀN

Có thể thấy, những nét văn hóa đặc trưng của Hàng Đào giờ đã dần mai một nhường chỗ cho sự pha tạp tân thời. Qua phố Hàng Đào, ngước mắt lên cao một chút, vẫn còn đó những mái ngói, ô cửa củ kỹ nhưng đan xen vào là nhà cao tầng, biển hiệu, cửa kính sáng choang… Ông thợ vẽ truyền thần, với hơn 30 năm làm nghề ở 51 - Hàng Đào, bảo rằng: “Trước đây, người Hàng Đào cực kỳ giản dị, nhưng là sự giản dị sang trọng. Cứ nhìn cung cách các bà, các chị, các cô xuống phố, ra chợ là biết ngay. Có một vẻ gì đó nhàn nhã, tinh tế, yêu kiều mà không thể diễn tả được”.

  • Chuyện của một gia đình ở Hàng Đào

Nhưng không phải tất cả đều đã thay đổi. Trong khu phố Hàng Đào chật chội, đầy ganh đua còn một vài cô gái được trưởng thành trong những gia đình vẫn giữ trọn nề nếp gia phong của người Hà Nội. Ông Nguyễn Thái An (72 Hàng Đào) hãnh diện nhắc tới cô con gái Nguyễn Ngân Hà, tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế tại Vương quốc Bỉ, hiện đang công tác tại Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông và cả hai cô cháu gái, con người em trai ông An là Nguyễn Thu Huyền và Nguyễn Thu Hạnh. Huyền được tuyển thẳng vào Trường Đại học Y, nhưng theo lời khuyên của gia đình cô đã thi vào Đại học Dược với điểm số cao, hiện cô đã lập công ty riêng. Còn Hạnh đang học năm cuối Học viện Ngân hàng. 

Cái cửa hiệu Thái An chuyên bán quần áo, bông, vải, sợi của dòng họ Nguyễn Thái tồn tại qua 5 đời ở phố Hàng Đào gần đây đã cho tiệm vàng Hoàng Yến thuê lại. Con gái, cháu gái ông An giờ cũng không có ai theo đuổi nghề kinh doanh trên phố Hàng Đào nữa. “Chúng tôi muốn hướng các cháu theo nghề kinh doanh để phát huy truyền thống gia đình nhưng chúng lại đi theo hướng khác. Đành chịu, thời thế bây giờ khác xưa nhiều rồi” – ông An nói với giọng bùi ngùi.

  • Lời kết

Lúc này đây, để có một cái nhìn tổng quan về con gái Hàng Đào quả không đơn giản. Thời gian vẫn mải miết trôi và tất cả đều phải có sự đổi thay. Tốt có, xấu có! Phố Hàng Đào và con gái Hàng Đào cũng không ngoại lệ. Lần giở truyền thống, lục tìm ký ức cũng chỉ là để làm dịu đi một phần xô bồ mà nhịp sống hiện đại đã và đang mang đến ở phố Hàng Đào, nơi vốn được xem là tâm điểm của đất Tràng An thanh lịch…

Hiền Thảo

Tin cùng chuyên mục