Người Việt Nam chúng ta có thói quen khi nói tới một đứa trẻ hư hỏng đã vội kết luận: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Vậy, còn cha còn ông thì bỏ đâu? Chẳng lẽ trách nhiệm giáo dục con cái chỉ dành cho những người đàn bà trong gia đình mà những người đàn ông thì có thể phủi tay không cần giáo huấn? Hoặc là con nên người thì do cha do ông, mà con hư thì tại mẹ tại bà? Câu nói trên cần phải được xét lại cho tường minh.
Trên thực tế, con cái hư hay nên đều do chuyện dưỡng dục của cả cha mẹ và ông bà. Hư, trong nhiều trường hợp là do cha mẹ, ông bà quá nuông chiều và trái lại, khi trẻ nên người là do công chung của những người này. Nhưng do cái sĩ diện, cái tôi quá lớn mà khi con cái hư hỏng thì người ta hay đổ lỗi cho nhau.
Nếu nói rằng “con hư tại mẹ”, nhiều trường hợp trên thực tế, con hư là tại cha. Vì sao vậy? Trước hết, chúng ta phải truy xét xem tại sao có câu nói như trên? Phải chăng vì ngày xưa người ta đã quan niệm rằng người đàn ông phải lo kiếm sống, hoặc là suốt ngày làm việc ở ngoài đồng áng, hoặc là bận việc học hành, thi cử, không còn quan tâm đến những gì xung quanh. Thi đỗ lại lo đi làm quan ở xa mà bỏ phế việc gia đình, trách nhiệm dưỡng dục, nuôi dạy trẻ thơ cho người đàn bà trong nhà chu tất.
Ngày nay có lẽ cũng không thiếu những hình ảnh ấy. Phải nói rằng thời nào cũng có những công tử, những con ông cháu cha như hư đốn. Khi nào phú quý, giàu sang, quyền hành lấn áp nhân đức, lễ nghĩa, đạo hạnh thì chừng ấy, không thiếu những cảnh tác hại xảy ra ở lớp tuổi trẻ và đó cũng là tác nhân gây xáo trộn cuộc sống, tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Gần đây, ở ta, báo chí không ngừng tố giác, đưa ra những vụ án mà trong đó những “cậu ấm” là những phần tử gây ra những tội ác không thể chấp nhận được.
Nguyên nhân những tội lỗi này là do những đứa trẻ kia đã được cha mẹ nuông chiều cho ăn chơi trác táng, không được kềm hãm hay ngăn chặn. Tuổi trẻ thích hiếu động, ham vui trước những trò mới lạ. Tuổi trẻ lại không biết sợ, không hiểu được mức ảnh hưởng nghiêm trọng khi mình gây ra những lỗi lầm. Vì thế, giáo dục con cái là trách nhiệm của chung cho tất cả những người lớn trong gia đình. Đó là nghĩa vụ của gia đình đối với xã hội nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, tích cực. Ai trong chúng ta cũng đều từng vấp ngã, nhưng cái chính là biết đứng lên và làm lại cuộc đời mới. Khi con cái sai phạm, thay vì đổ lỗi cho nhau thì nên tìm cách khắc phục hậu quả, giúp con trở lại môi trường sống lành mạnh. Như thế mới là một gia đình văn hóa, hạnh phúc.
NGUYỄN HOÀNG DUY