“Cơn lốc” hàng ngoại

Hai năm gần đây, trào lưu trang điểm, ẩm thực, thời trang, cả phẫu thuật thẩm mỹ kiểu Hàn Quốc, Nhật Bản đang lan rộng tại nhiều đô thị Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và thực phẩm, bên cạnh hàng Hàn, hàng Nhật thì xu hướng hàng Thái, hàng Úc, Mỹ, New Zealand và cả nông sản Campuchia đang lớn mạnh, cũng bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt tại Việt Nam. Vòng quanh các siêu thị ngoại
“Cơn lốc” hàng ngoại

Hai năm gần đây, trào lưu trang điểm, ẩm thực, thời trang, cả phẫu thuật thẩm mỹ kiểu Hàn Quốc, Nhật Bản đang lan rộng tại nhiều đô thị Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và thực phẩm, bên cạnh hàng Hàn, hàng Nhật thì xu hướng hàng Thái, hàng Úc, Mỹ, New Zealand và cả nông sản Campuchia đang lớn mạnh, cũng bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt tại Việt Nam.

Vòng quanh các siêu thị ngoại

Siêu thị Emart, đặt tại quận Gò Vấp (TPHCM) là siêu thị đầu tiên trong chiến lược phát triển chuỗi 17 đại siêu thị tại Việt Nam của một thương hiệu bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, vừa khai trương vào cuối năm 2015. Vào buổi tối, nếu có dịp đến siêu thị này, sẽ dễ dàng nhận thấy cách người Việt xếp hàng trật tự để mua thức ăn, cách họ ăn cũng khá giống với những phân đoạn trong phim Hàn. Cô bạn N.B., đang công tác tại một tòa soạn báo, khoe từ ngày có Emart, nhà cô “bỏ” Vincom, Big C để vào đây mua sắm và ăn tối, với tần suất bình quân 5 lần/tuần. “Hàng hóa phong phú, đa dạng, giá bán lại rất cạnh tranh, không gian thoáng mát, sạch sẽ, đặc biệt là quầy ẩm thực thì vô cùng hấp dẫn, với đủ các món ăn kiểu Hàn”, N.B. nói.

Thịt nhập khẩu bán tại một siêu thị nước ngoài quận Tân Phú. Ảnh: CAO THĂNG


Tại siêu thị Metro An Phú, chỉ sau vài tháng chuyển giao từ Tập đoàn Metro Cash & Carry cho chủ mới là Berli Jucker Public Company Limited (BJC, công ty thành viên của Tập đoàn TTC - Thái Lan) thì bộ mặt đã khác hẳn, số lượng và tỷ lệ hàng Thái tăng lên hàng ngày. Đến trung tuần tháng 4-2016, toàn bộ mặt tiền siêu thị và một phần bên trái của siêu thị chỉ dành để trưng bày và bán hàng Thái với hàng trăm chủng loại sản phẩm, giá cả khác nhau. Từ những gói snack có giá 6.600 đồng/gói, mì tôm, nước mắm, gạo các loại, tương đậu nành, bún khô, bánh kẹo, nước ép, đến đồ gia dụng, xà bông, nước xả vải… tất cả đều có ở Metro.

Còn đến với các hệ thống siêu thị khác như Aeon, Lotte…, khách hàng có thể mãn nhãn với các loại hàng hóa được trưng bày rất khoa học và đẹp mắt. Điều dễ thấy nhất là ở siêu thị có vốn đầu tư của quốc gia nào, nghiễm nhiên hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia đó được ưu tiên ở những vị trí hàng đầu. Tại một kệ hàng bán mì ăn liền của một doanh nghiệp (DN) FDI, chúng tôi có thể đếm khoảng 90% lượng mì gói trưng bày có xuất xứ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia. Cho dù một gói mì của Hàn Quốc giá bán bình quân ở mức 15.000 - 16.000 đồng/gói, đắt gấp đôi, gấp 3 lần so với các loại mì sản xuất trong nước, nhưng người mua dường như không quan tâm đến giá bán. Chị Phương Thảo, kế toán của một DN viễn thông, cho hay từ khi tốt nghiệp ra trường, đi làm có thu nhập ổn định thì chị chuyển sang ăn mì của Hàn Quốc vì hương vị khác lạ. Tổng Giám đốc một DN sản xuất mì ăn liền hàng đầu có nhà máy đặt tại Bình Dương thở dài: Sắp tới khi thuế suất trong khu vực ASEAN giảm xuống 0% theo lộ trình thì mì trong nước sẽ khó khăn gấp nhiều lần!

Tương tự, tại hầu hết các siêu thị, nhiều mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước gần như vắng bóng, điển hình như hàng thủy tinh đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Đức… Không chỉ gia tăng thị phần, các nhà bán lẻ ngoại còn liên tục tổ chức các hội chợ hàng tiêu dùng để thăm dò thị hiếu người Việt như hội chợ hàng Thái với số lượng DN tham gia và quy mô không ngừng tăng cao. Ngoài ra, một số DN còn tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa đón khách đến mua hàng vào mỗi dịp giảm giá, như trường hợp Công ty Lock&Lock Việt Nam.

Đa dạng thực phẩm tươi sống

Cùng với các siêu thị, các cửa hàng chuyên bán hàng ngoại xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố cũng như các trung tâm thương mại (TTTM). Trong đó, phổ biến nhất là mô hình cửa hàng bán hàng đồng giá 40.000 đồng, được nhượng quyền từ Tập đoàn đồng giá Daiso (Nhật Bản) đã có mặt tại nhiều TTTM của TPHCM và một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đắk Lắk, Tây Ninh. Ngoài ra, còn có hệ thống cửa hàng chuyên bán hàng Thái, hàng Hàn, trong đó chủ yếu là quần áo, giày dép, hóa mỹ phẩm. Tại nhiều tuyến đường, các TTTM dường như bị quá tải bởi các nhà hàng chuyên kinh doanh các món ăn kiểu Hàn, Nhật, Thái hoặc chuyên về thức ăn nhanh kiểu Mỹ, Pháp, Ý… “Có cung, ắt có cầu” là vậy!

Theo số liệu từ các chợ đầu mối nông sản của TPHCM, nếu trước đây hàng nông sản, đặc biệt là hàng Trung Quốc chiếm từ 20% - 30% tổng lượng rau củ quả và trái cây về chợ hàng đêm, thì nay giảm xuống còn khoảng 10%. Điều đáng lưu ý, những mặt hàng nông sản của Trung Quốc còn trụ vững tại Việt Nam đều là hàng có sức cạnh tranh cao, cả về thời gian bảo quản lẫn giá cả.

Trên thực tế, hàng nông sản vào chợ đầu mối giảm, nhưng tại TPHCM đã hình thành mạng lưới nhập hàng ngoại để phân phối trực tiếp qua kênh siêu thị và các cửa hàng chuyên bán qua điện thoại cho những khách hàng có nhu cầu đối với các nhóm hàng như trái cây (nho, táo, lê, cherry) nhập chủ yếu từ Úc, Mỹ, New Zealand, Nam Phi; nhóm thịt (thịt bò, cừu, thịt heo, thịt gà, thịt trâu, thịt đà điểu) nhập từ Úc, Mỹ, Ấn Độ, Brazil…

Trong bối cảnh giá trái cây trong nước như xoài, bưởi tăng giá liên tục do nguồn cung giảm, trong khi mức cầu quá lớn thì đây là cơ hội cho trái cây ngoại gia cố chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam. Chủ một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt, chuyên nhập khẩu trái cây qua đường hàng không, cho biết mỗi ngày cửa hàng nhập khẩu 30 thùng trái cây các loại như nho, táo, lê, nhưng chỉ bán đến 2 giờ chiều là hết hàng. Khách hàng nếu không đặt trước, sẽ không có hàng để mua.

Đáng lưu ý, gần đây thị trường còn xuất hiện xu hướng đi xe buýt sang Campuchia để mua gạo và các loại hạt như đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng… Khách thập phương khi đến khu vực chùa Bà (An Giang) hành hương cũng không quên tìm đến siêu thị Tứ Sơn - nơi bày bán rất nhiều mặt hàng nông sản và đặc sản của Campuchia, Thái Lan với giá rất cạnh tranh.

Cứ như vậy, thêm một sản phẩm của nước ngoài chen vào gia đình Việt Nam, cũng đồng nghĩa, một mặt hàng tương tự trong nước phải lùi một chút!

Theo Tổng cục Hải quan, dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm nay tăng đến 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu rất mạnh từ quốc gia này, với mức thâm hụt lên đến hơn 4,4 tỷ USD.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục