“Cơn lốc” ươi bay đang cuốn hàng ngàn người dân Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum vào chốn rừng sâu do giá ươi đang “bay cao”. Không còn cảnh chờ hạt ươi từ trên cây rụng xuống để nhặt mang về bán nữa, những cây ươi xanh, to và cao giữa núi rừng nguyên sinh bị chặt hạ trước sự bất lực của chính quyền địa phương và ngành quản lý tài nguyên rừng!
Nóng bỏng vùng ươi
Có mặt tại xã Sơn Lập (Sơn Tây, Quảng Ngãi) khi trời còn chưa sáng nhưng dọc hai bên đường, từng đoàn người đã nối nhau tay gậy, tay bị vào rừng. Bên nhóm khoảng 5-6 người đang ngồi nghỉ ven đường, lân la bắt chuyện với ông Đinh Văn Hải (50 tuổi) ở thôn Nước Rin (xã Sơn Lập), ông Hải khoe: “Ươi năm nay được mùa, giá cao nên bà con bỏ hết nương rẫy đi nhặt ươi”. Ở vùng rẻo cao này, vấn đề “nóng” hầm hập gần tháng nay không phải thời tiết bỏng rát của miền Trung mà là… “cơn lốc” hạt ươi. “Mỗi ký ươi bay khô (trái ươi chín rụng) thương lái thu mua với giá từ 150.000 - 160.000 đồng/kg; ươi xô (vừa tươi, vừa khô) khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg; ươi tươi (chặt cây hái) với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg” - ông Hải nói thêm.
Trở về sau một ngày lặn lội trong rừng, cõng trên vai gần 10kg ươi, ông Đinh Văn Tre (45 tuổi) ở xã Sơn Lập, cười tươi: “Được mùa ươi nhất trong nhiều năm qua. Nhà mình có 3 người thì cả vợ chồng và con cái đều vào rừng nhặt ươi. Từ đầu mùa đến giờ, kiếm được vài chục triệu rồi đấy”- ngừng giây lát, rít thêm hơi thuốc lá, ông Tre bảo: “Sáng sớm vào rừng, tối mịt về là có tiền triệu, cái bụng đồng bào ai cũng vui”.
Chọn cho mình điểm dừng chân dưới gầm cầu nối xã Sơn Lập với Ngọc Tem (huyện Kon Plông, tỉnh Kontum), chị Định Thị Nết ở xã Sơn Thủy (Sơn Hà) kê chiếc bao đem theo để đựng ươi dưới nền đất rồi ngồi bệt xuống, hổn hển cho biết, nhóm của chị gồm 5 người ở xã Sơn Thủy lên vùng này nhặt hạt ươi được gần 1 tuần. Sáng sớm cả nhóm kéo nhau “cắm mặt” trong rừng suốt ngày, chiều tối mới về điểm tập kết bán hàng cho thương lái, xong xuống gầm cầu nấu ăn, nghỉ ngơi, sáng hôm sau lại vào rừng. “Tranh thủ lúc ươi có giá cố gắng đi nhặt để dành dụm. Cực lắm, trong rừng thiếu thốn, toàn ăn mì gói sống vì không có xoong nồi để nấu nước pha chế” - chị Nết bộc bạch.
“Săn” hạt ươi giờ đã thành công việc mang lại thu nhập khá cao cho người dân ở vùng núi ở các tỉnh miền Trung. Từ những cánh rừng già của huyện Sơn Hà, Sơn Tây lên tít tận tỉnh Kon Tum hay vắt qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, đâu đâu cũng bắt gặp dân “ươi bay”. Có những gia đình một ngày đi “săn” ươi kiếm vài triệu, số tiền họ bán hết cả mùa lúa rẫy cũng không bằng, khiến hạt ươi trở thành “cơn lốc” thật sự giữa đại ngàn.
Chạy trốn lực lượng chức năng
Theo chân chị B. - một thương lái thu mua ươi trên địa bàn huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), chúng tôi xâm nhập “đội quân” thu mua ươi của Quảng Ngãi và Kon Tum.
13 giờ chiều, đoạn đường khoảng 15km ở phía Nam trung tâm xã Sơn Lập (Sơn Tây, Quảng Ngãi) và khoảng 10km đoạn Trường Sơn Đông đi qua xã Ngọc Tem (Kon Plong, tỉnh Kon Tum), hàng trăm thương lái đã tụ tập chờ người nhặt ươi. Số khác cưỡi xe máy mang theo cân, bao tải liên tục di chuyển đến “chốt chặn” các điểm, ngã rẽ mà dân hái ươi đi qua. Thậm chí, vào tận các khu dân cư nằm ven tuyến giao thông này để đợi người khai thác ươi trở về để tranh mua. Chị B. cho hay: “Người mua ươi nhiều, giành giật nhau nên lượng ươi bị san sẻ, khiến số lượng mua sụt giảm thấy rõ. Khoảng 2 tuần trước, đến quá chiều, đã thu gom được 1,5 tạ, hôm nay mới được hơn 30kg”. Nói rồi, chị B. cùng với một thương lái khác tên S. quyết định chạy xe máy sang xã Ngọc Tem (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) để gom hàng. Đã 6 giờ tối, song cảnh mua bán ươi ở đây vẫn nhộn nhịp hơn nhiều so với xã Sơn Lập. Chỉ trong đoạn đường khoảng 5km, kéo dài từ thôn Đieklo II đến Điektem, người mua lên đến cả trăm người.
20 giờ tối, số ươi mà chị B. thu mua được đã khá. Nhưng chị B. và hàng chục người thu mua khác vẫn chưa muốn rời rừng mà tìm nhà dân bên đường để nghỉ trọ. “Mua ươi bay (hạt ươi đã rụng) thì giờ về cũng được, nhưng trong số ươi thu mua có cả ươi xanh nên về lúc này lực lượng kiểm tra phát hiện và tịch thu sẽ lỗ vốn” - chị B phân trần.
“Thị trường “ăn mạnh” cả ươi xanh nên không ít thương lái tranh nhau mua luôn ươi xanh. Mỗi bao (khoảng 50kg) vượt được “trạm”, người đi buôn cầm chắc lãi không dưới 500.000 đồng, thế nên những người buôn ươi thường vận chuyển về xuôi vào đêm khuya hoặc giữa trưa để né lực lượng chức năng.
Máu người và “máu” rừng
Chỉ tay về phía cánh rừng xa tít nổi bật trên nền rừng xanh là những sắc đỏ của cây ươi, ông Đinh Văn Sau (xã Sơn Lập) bảo đó là rừng ươi ở bên tỉnh Kon Tum, chứ ở Quảng Ngãi nhiều diện tích rừng ươi đã bị triệt hạ. “Sợ ươi chín người khác đến lấy mất nên khi còn xanh trên cây, họ đã chặt ngã cây để nhặt hạt đem về rồi” - ông Sau cho hay. Theo ông Sau, đa số cây ươi cao đến 25-40m nên khi chặt phá ươi, khiến không chỉ cây ươi ngã đỗ mà còn kéo theo nhiều cây rừng xung quanh cũng gãy đỗ theo, đây là hệ lụy rất lớn trong việc bảo vệ rừng.
Chỉ tính trên trên địa bàn xã Sơn Kỳ có khoảng 7.000ha rừng nguyên sinh, trong đó lượng ươi sống phân bổ đều và thuộc loại nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi. Theo lực lượng kiểm lâm ước tính chỉ trong tháng qua, tại các khu rừng ở xã Sơn Kỳ đã có khoảng 1.000 cây ươi có tuổi đời từ 30-100 năm tuổi bị đốn hạ.
Rừng ươi “chảy máu”, máu người cũng vấy trên những thân cây vì tranh giành lãnh địa hoặc bị thương nặng vì bị cây ngã đè trong lúc nhặt ươi. Ông Đinh Tấn Bắc, Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ nhẩm tính, có khoảng 10 người bị tai nạn liên quan đến “săn” ươi rồi dẫn chứng: “Trưa 25-6, có 3 người đã bị thương nặng phải chuyển xuống bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị trong lúc khai thác ươi tại địa bàn xã Sơn Lập, gồm: anh Đinh Văn Nháp (28 tuổi), chị Đinh Thị Đu (30 tuổi) cùng ở xã Sơn Kỳ và chị Đinh Thị Ha Lê (35 tuổi) ở xã Sơn Ba (Sơn Hà). Họ đều bị cây ngã đè khi đốn hạ để lấy hạt ươi”.
“Chúng tôi đã ngăn chặn và bắt gần 10 vụ liên quan đến việc buôn bán và chặt phá ươi. Tuy nhiên, vì giá ươi cao, họ vẫn lén lút đốn cây để khai thác. Tổ chức truy đuổi, nhiều đối tượng liền bỏ ươi chạy vào rừng sâu rồi quay lại… hạ cây tiếp”- ông Bắc chia sẻ. Với UBND huyện Sơn Hà, Sơn Tây, lãnh đạo huyện thừa nhận chỉ tuyên truyền và vận động người dân khai thác hợp lý chứ không thể ngăn chặn và xử lý vì bị động với cách khai thác… “hạ gục” như năm nay.
|
HÀ MINH