Với những ai yêu thích bóng đá quốc tế, thì trường hợp của đội bóng Manchester City bị loại khỏi Champions League mới đây là điển hình cho sự tác động mạnh mẽ của công nghệ vào bóng đá, một trong những môn thể thao mà yếu tố con người vẫn nổi trội hơn vấn đề kỹ thuật.
Ở một khía cạnh khác, quyết định của công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) quá nghiệt ngã đối với đội bóng thua trận. Nhưng ở phía ngược lại thì nó khiến cho kết quả trận đấu trở nên công bằng, hoàn hảo, điều mà trước đây có những lúc không xảy ra cho dù “trọng tài con người” có tài giỏi đến đâu.
Chính vì thế, khi biết tin Ban tổ chức của V-League quyết tâm đưa công nghệ VAR vào một số trận đấu ở giai đoạn 2 mùa giải, giới hâm mộ cảm thấy có thêm hy vọng. Đây là một quyết định rất dũng cảm của các nhà tổ chức bởi điều kiện kỹ thuật và tài chính của bóng đá Việt Nam hiện nay rất hạn chế. Ngay cả việc áp dụng VAR cũng chỉ thực hiện theo kiểu “con nhà nghèo” với các xe lưu động, ở 1-2 trận đấu quan trọng của từng vòng đấu. Xét về chuyên môn, sẽ không có sự tác động quá lớn đến chất lượng của V-League, nhưng về mặt tinh thần, điều đó đã thể hiện cam kết “làm bóng đá sạch” của các nhà điều hành.
Sở dĩ phải đưa VAR vào sớm ở V-League là bởi thực tế rất đáng buồn là không còn nhiều thời gian để chờ đợi sự phát triển của đội ngũ trọng tài Việt Nam. Về lý thuyết, các công nghệ như VAR hay Goal-Line (bóng đá), HawkEye (quần vợt)… chỉ được áp dụng một cách giới hạn trong quá trình diễn ra trận đấu, mang tính chất hỗ trợ trọng tài để đưa ra quyết định sau cùng, chính xác nhất chứ không làm hay công việc của trọng tài. Điều này có nghĩa, dù có công nghệ hay không thì chất lượng trọng tài vẫn là yếu tố quyết định. Bởi nói cho cùng, một trận đấu ít phải dùng đến công nghệ mới hấp dẫn người xem thay vì phải liên tục ngắt vụn, kéo dài thời gian để chờ công nghệ xử lý.
Trong khi đó, mới chỉ trôi qua 5 vòng đấu nhưng có đến 5 trọng tài đã bị “treo còi”, một con số báo động, tác động không nhỏ đến lượng khán giả đến sân xem bóng đá hiện nay vốn không cao bằng năm trước. Thông thường, trọng tài bị kỷ luật tức là đã làm sai lệch kết quả của trận đấu, tạo ra sự không công bằng khiến khán giả phẫn nộ. Nếu VAR được áp dụng sớm, thì có lẽ một số kết quả sẽ minh bạch hơn.
Tuy nhiên, như đã nói, một phần vì hiện nay công nghệ VAR nếu có áp dụng tại V-League cũng chỉ ở mức tối thiểu về mọi khía cạnh, một phần vì các các sai sót của trọng tài hiện nay liên quan đến trình độ nhiều hơn là khách quan nên sử dụng VAR chỉ mang tính chất “chữa cháy” chứ không giải quyết những tồn tại của V-League. Trong 5 trọng tài bị kỷ luật, có người mắc lỗi ngớ ngẩn như “rút nhầm thẻ đỏ” hoặc “không nắm chắc luật”, thậm chí có người thấy rõ tình huống nhưng quyết định sai.
Nói cách khác, đây là những sai sót không cần đến VAR, chỉ cần trọng tài giỏi là sẽ giúp trận đấu trở nên tốt hơn. Chính vì điều này mà có không ít ý kiến nghi ngờ việc áp dụng VAR tại Việt Nam sẽ khiến cho tranh cãi nhiều hơn. Trên thực tế, dù có sử dụng VAR thì mọi quyết định vẫn phải dựa vào nhận định của trọng tài sau khi xem lại hình ảnh. Một khi trọng tài đã kém, có xem lại thì cũng chưa chắc đã quyết định đúng
Không chỉ trong thể thao hay bóng đá, yếu tố con người vẫn quyết định kết quả sau cùng của mọi công việc ở thời đại 4.0. Để có thành tích đại nhảy vọt ở đội tuyển Việt Nam hiện nay, là một quá trình đào tạo và sử dụng cầu thủ. Để có một đội ngũ trọng tài theo kịp sự phát triển của nền bóng đá, vẫn phải nói đến câu chuyện đào tạo và sử dụng chứ không nên xem VAR là một giải pháp.
Trong 5 năm qua, V-League phải dùng đến trọng tài ngoại để tìm kiếm sự công tâm, thế nhưng cũng chừng đó năm, chất lượng của trọng tài Việt không hề cải thiện. Chi tiết này cho thấy bên cạnh nỗ lực đưa công nghệ vào cuộc sống thì bản thân những người làm bóng đá cũng phải tự thay đổi mình. Chất lượng con người dậm chân tại chỗ thì công nghệ cũng khó mà đi trước một bước.
ĐĂNG LINH