Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được đánh giá có nhiều điểm nổi bật, giúp giảm đáng kể các thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp (DN). Dù vậy, nhiều ý kiến tại hội thảo tham vấn về dự thảo nghị định này mới đây vẫn cho rằng còn nhiều tồn tại, bất cập.
Rối rắm câu từ
Điểm nổi bật của dự thảo nghị định lần này đã quy định chi tiết các thủ tục cũng như quy trình hướng dẫn miễn thuế, hoàn thuế, giảm thuế, như: Các nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế, thay vì phải nộp thuế rồi sau đó mới được hoàn như quy định trước đây. Ngoài ra, những hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ hoặc tổng số tiền thuế phải nộp có giá trị nhỏ, theo quy định trong luật sẽ được miễn thuế. Điều này giúp giảm thiểu gánh nặng tuân thủ cho các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng quy định về việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu cho các DN có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này giúp kích thích sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nội địa, tránh tình trạng các DN trung gian có năng lực tài chính nhập hàng về ồ ạt, chi phối thị trường.
Tuy nhiên, nhiều khái niệm trong dự thảo nghị định còn chung chung, trừu tượng, định tính, do đó nếu không kỹ lưỡng xem xét điều chỉnh sẽ gây khó khăn cho DN lẫn lúng túng cho cơ quan thực thi khi áp dụng. Đơn cử, tại khoản a1, mục 1, Điều 12 của dự thảo về miễn thuế hàng hóa nhập khẩu của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư quy định “chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó”. Một số DN cho rằng nên bỏ hoặc điều chỉnh lại, vì trên thực tế không thể bảo đảm chắc chắn DN nào cũng có lời. Hay tại khoản a3, mục 1, Điều 12 quy định “nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên”. Nội dung của quy định này quá chung chung, dễ gây ra thủ tục phiền hà cho DN. Tương tự, trong dự thảo quy định hàng miễn thuế phải là “vật tư trong nước chưa sản xuất được”.
Phân tích về “lỗ hổng” của quy định này, Phó Tổng giám đốc Công ty Agrivina Nguyễn Văn Bảo cho rằng, nếu áp dụng vào thực tế rất dễ gây khó khăn cho DN. Ông Bảo dẫn chứng gần 20 năm qua, DN nhập khẩu nhà kính được miễn thuế, bất ngờ đến năm 2004, Cục Kiểm tra sau thông quan thông báo mặt hàng này trong nước đã sản xuất được, nhưng không có văn bản nào làm cơ sở mà chỉ căn cứ vào mấy công văn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và truy thu doanh nghiệp gần 8 tỷ đồng, kể cả tiền phạt. “Trên thực tế, sản phẩm nhà kính trong nước rất đơn giản trong khi nhà kính mà DN nhập khẩu giá trị hàng triệu USD kèm theo thiết bị tự động, đóng mở mái… Vì vậy, nếu quy định những mặt hàng vật tư trong nước sản xuất được thì cần kèm theo tiêu chuẩn Việt Nam, nếu cao cấp hơn mức đó DN được nhập khẩu mà không chịu thuế”, ông Bảo đề nghị.
Bốc dỡ hàng xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái. Ảnh: THÀNH TRÍ
Đồng bộ hóa quy định
Theo ông Nestor Scherbey, Cố vấn cao cấp Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA), việc quy định về miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị tối thiểu tại dự thảo nghị định còn nhiều điểm cần làm rõ và sửa đổi lại nhằm đơn giản hóa các thủ tục cần thiết đối với các cá nhân, DN và các cán bộ hải quan ở Việt Nam trong hoạt động thực thi. “Việc miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, quy định đồ dùng cá nhân “số lượng, chủng loại phải phù hợp với mục đích chuyến đi” chưa cụ thể, rõ ràng. Ai sẽ là người quyết định việc hợp lý này, qua đó dễ gây tiêu cực trong quá trình thực thi”, ông Nestor Scherbey đặt vấn đề. Liên quan đến nộp thuế, quy định nộp thuế trước khi thông quan và giải phóng hàng nếu DN sử dụng bảo lãnh ngân hàng thay cho tiền mặt hoặc thanh toán điện tử với khoảng thời gian 30 ngày chỉ tạo chi phí phát sinh thêm cho các DN Việt Nam và khiến khả năng tín dụng của DN bị giới hạn, DN sẽ gặp bất lợi. Yêu cầu hàng hóa được giải phóng theo bảo lãnh ngân hàng cũng phải chịu các chi phí phát sinh của lãi suất phạt. Do đó, ông Nestor Scherbey đề xuất, không nên tính lãi suất phạt với việc trả chậm theo bảo lãnh ngân hàng, đồng thời giảm các chi phí bổ sung.
Theo ý kiến của các hiệp hội ngành hàng cũng như cộng đồng DN, dự thảo nghị định mới cần tránh những thủ tục rườm rà, gây sách nhiễu. Bởi lâu nay, chỉ một mặt hàng xuất nhập khẩu nhưng có quá nhiều bộ liên quan gây vướng mắc cho DN. “Do đó, nên sớm thực hiện tốt cơ chế một cửa quốc gia, đồng thời hạn chế các văn bản dưới luật, thông tư và phải triển khai đồng bộ, cũng như thời gian tồn tại lâu dài của các quy định”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Đặng Hoàng Giang đề nghị. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, dự thảo nghị định mới có nhiều điểm không hợp lý cần sửa đổi theo hướng cụ thể hóa các nội dung. Cụ thể, các thông báo về danh mục miễn thuế, hồ sơ miễn thuế cần đơn giản; Chính phủ ban hành đồng bộ các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; song song với đơn giản hóa công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
LẠC PHONG