Còn thiếu sự quyết liệt trong việc giám sát của mặt trận

Chiều 23-1, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 19 khóa IX.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, hội nghị sẽ xem xét báo cáo tổng kết công tác mặt trận năm 2023; chương trình hoạt động của mặt trận năm 2024; dự thảo lần 1 báo cáo trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029; kiện toàn công tác nhân sự…

Tại hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tờ trình một số nội dung trình xin ý kiến tại hội nghị lần thứ 19 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trong đó, với dự thảo báo cáo kết quả công tác mặt trận năm 2023 và chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2024 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tờ trình nêu rõ, năm 2023, ngoài những kết quả đạt được, công tác mặt trận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

1-5484.jpg
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 19 khóa IX

Cụ thể, công tác thông tin, tuyên truyền, dự báo, nắm bắt tình hình nhân dân có lúc, có nơi còn bị động, thiếu tính dự báo, dẫn đến thiếu chủ động trong việc tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; lúng túng trong xử lý những vấn đề phức tạp, nổi cộm. Công tác tuyên truyền, vận động, nhất là trong đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài còn chưa kịp thời, chưa đa dạng về cách thức. Công tác vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động ở một số địa phương chưa có nhiều giải pháp đổi mới đột phá; hiệu quả, chất lượng triển khai ở một số nơi chưa cao...

3-1555.jpg
Các đại biểu dự hội nghị

Hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội chưa cao; một số nơi còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Cấp cơ sở còn gặp khó khăn trong tổ chức hội nghị phản biện xã hội. Việc phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân có một số nội dung vụ việc còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực cán bộ và tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Báo cáo nêu nguyên nhân của hạn chế trong công tác mặt trận, trong đó có việc dự báo tình hình còn hạn chế, có lúc chưa sát thực tiễn; còn thiếu sự quyết liệt trong thực hiện việc giám sát đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc trả lời, giải quyết, phản hồi đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân và các đề xuất, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội…

2-623.jpg
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội nghị

Về nội dung của chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2024, Ban Thường trực xin ý kiến Đoàn Chủ tịch về 8 trọng tâm công tác. Trong đó có việc tập trung triển khai các công việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tiếp tục đổi mới công tác nắm tình hình nhân dân; nâng cao chất lượng việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; phát huy trách nhiệm, vai trò của các tổ chức thành viên, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban công tác mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp tại địa bàn khu dân cư góp phần giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc ngay khi mới phát sinh, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; tham gia xây dựng pháp luật, trọng tâm; giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của chủ tịch UBND các cấp; giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “đoàn kết, sáng tạo”. Hưởng ứng và tổ chức thực hiện tại địa phương, cơ quan, đơn vị các hoạt động chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ cho người nghèo, đối tượng yếu thế; an sinh xã hội. Nghiên cứu tổ chức thí điểm xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

Đáng chú ý, trong năm 2024, mặt trận sẽ triển khai cuộc vận động “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên toàn quốc, coi đó là trọng tâm công tác mặt trận năm 2024.

Về dự thảo lần 1 báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2029, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, dự kiến tiêu đề báo cáo là “Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Chủ đề đại hội dự kiến là: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”.

Dự kiến có các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp; xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục