Còn tình trạng đùn đẩy công việc, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (BCĐ), chủ trì phiên họp thứ 4 của BCĐ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cải cách hành chính (CCHC), xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng xác định từ Đại hội XIII và Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Chúng ta xác định, đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển.

Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên BCĐ, công tác CCHC đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung: công tác xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tuy nhiên, công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm, một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp, việc huy động các nguồn lực phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng yêu cầu phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt; giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp kịp thời, không phiền hà, sách nhiễu, không ảnh hưởng tới huy động nguồn lực và nhất là khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng BCĐ, cho biết, đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả. 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử; cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4.800 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Trần Văn Sơn cũng nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác này. Theo đó, TTHC trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản (nhất là những TTHC trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước, TTHC về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư công, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng, lý lịch tư pháp, tài chính ngân sách…); 19 nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư chưa hoàn thành việc thực thi. Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm. Việc áp dụng chữ ký số công cộng đối với người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa cao.

Đáng chú ý, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác… Điều này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; làm suy giảm niềm tin trong doanh nghiệp, người dân đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Cùng với đó, các hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ và mức độ sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế.

Tin cùng chuyên mục