Trước nạn tham nhũng ngày càng khó kiểm soát, vào năm 2008, Nga đã ban hành một đạo luật yêu cầu quan chức phải kê khai thu nhập. Tuy nhiên, đạo luật này vẫn chưa đủ ngăn chặn “sóng ngầm” tham nhũng trong giới chính khách nước Nga.
Công chúng Nga cho rằng đến nay biện pháp này tỏ ra không có hiệu quả, bởi luật không yêu cầu các quan chức cấp cao công bố phần sở hữu của họ tại các doanh nghiệp. Nhận thấy sự trì trệ trong cuộc chiến cam go này, Chính phủ Nga quyết định bổ sung thêm điều luật mới, yêu cầu các quan chức phải kê khai các chi tiêu trong thời gian đương chức, một trong những bước tiếp theo của kế hoạch chống tham nhũng ở Nga.
Theo RIA Novosti, hiện ở Nga có rất nhiều quan chức khai báo thu nhập chỉ ở mức trung lưu nhưng lại có cuộc sống xa hoa, sở hữu nhiều biệt thự, xe hơi sang trọng. Số quan chức cấp cao của Nga bị dính đến các vụ án tham nhũng trong năm 2010 hơn 20 người, gấp đôi năm 2009. Báo cáo từ Ủy ban Điều tra thuộc Viện Công tố Liên bang Nga cho thấy, 34% số vụ tham nhũng trong năm 2010 có liên quan đến nhân viên ngành tòa án trong khi số viên chức và công chức có liên quan đến tham nhũng là 6.000 người.
Tuy điều luật chưa chính thức có hiệu lực nhưng đã nhận được nhiều sự đồng tình của người dân. Chuyên gia Vladimir Yuzhakov thuộc Trung tâm Phát triển chiến lược cho rằng việc các quan chức phải công bố chi tiêu đang được tiến hành ở hầu hết các nước phát triển. Nó được xem là nhân tố chính trong cuộc chiến chống tham nhũng. Biết rõ mọi người chi tiêu thế nào sẽ cho phép đặt vấn đề nguồn tiền từ đâu tới và khiến quan tham không có cơ hội sử dụng công quỹ trái phép.
Trong những năm qua, nhiều quốc gia đã có biện pháp theo dõi chặt chẽ thu nhập của công chức. Ví dụ, ở Singapore, nếu không thể chứng minh tài sản có nguồn gốc hợp pháp thì tài sản sẽ bị tịch thu. Tại Nhật Bản, một quan chức có nguồn thu nhập thêm phải cung cấp báo cáo quý về hoạt động tài chính của mình. Còn ở Mỹ hay EU, nhân viên thuế vụ sẽ tìm đến nếu phát hiện có sự chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu.
“Kỳ vọng xây một trung tâm tài chính thủ đô Mátxcơva sẽ gặp nhiều trở ngại nếu môi trường đầu tư ở nước Nga không trong sạch khi quan chức vẫn nhận tiền hối lộ và tham nhũng” - Tổng thống Nga Medvedev đã tuyên bố trong một cuộc họp thảo luận về kế hoạch chống tham nhũng tại Nga hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Các doanh nghiệp nước ngoài từng chỉ đích danh tham nhũng là một trong những rào cản lớn nhất trong kinh doanh tại Nga. Năm ngoái, hãng nội thất Thụy Điển IKEA tuyên bố ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh ở Nga do “bản chất bất thường của các thủ tục hành chính tại một số vùng”.
Các chuyên gia kinh tế Nga nhận định, việc xóa bỏ hình ảnh các quan chức Nga tham nhũng không thể có hiệu quả trong một thời gian ngắn, nó đòi hỏi một thời gian dài. Chỉ cần chính phủ luôn kiên quyết loại trừ tận gốc căn bệnh nguy hiểm này, việc phát triển đầu tư tại Nga sẽ gặp rất nhiều thuận lợi. Một môi trường kinh doanh trong sạch luôn là sự chọn lựa hàng đầu của các tập đoàn, công ty nước ngoài.
THANH HẰNG