Chiều 5-8, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể để lấy ý kiến toàn xã hội với rất nhiều nội dung mới.
Tiếp thu và lựa chọn kinh nghiệm thế giới
Về tính kế thừa của chương trình (CT), Bộ GD-ĐT khẳng định, nhìn chung hệ thống các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học của CT hiện hành được kế thừa từ tên gọi đến nội dung các mạch kiến thức lớn, thời lượng cho các môn học. Kiến thức cơ bản của tất cả các môn học ở bậc phổ thông, nhất là một số môn học truyền thống của Việt Nam có thế mạnh, có chất lượng đều được kế thừa trong CT mới, chỉ bớt đi những kiến thức quá chuyên sâu, chưa hoặc không phù hợp với yêu cầu học vấn phổ thông và tâm - sinh lý lứa tuổi, không phục vụ nhiều cho việc phát triển phẩm chất và năng lực. Nội dung các hoạt động giáo dục của CT hiện hành cũng được kế thừa trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo của CT mới như chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động đoàn đội, hoạt động ngoài giờ lên lớp...
CT GDPT mới đã tiếp thu và lựa chọn kinh nghiệm thế giới ở một số điểm: xác định hệ thống GDPT 12 năm với 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; xây dựng CT theo hướng tiếp cận năng lực với tất cả các thành tố: mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; thực hiện tích hợp mạnh ở tiểu học và THCS, chú ý đến việc hình thành các môn học tích hợp KHTN, KHXH và các chủ đề liên môn; thực hiện dạy học phân hóa ở tiểu học và THCS bằng cách học sinh được tự chọn một số nội dung trong một số môn học, ở cấp THPT bằng phương thức tự chọn nội dung trong môn học (tương tự ở tiểu học và THCS) và tự chọn môn học. Cụ thể: bên cạnh một số ít các môn học bắt buộc, HS được tự chọn một số môn học và một số chuyên đề học tập theo quy định và phù hợp với sở thích, định hướng nghề nghiệp của các em; thực hiện chủ trương 1 CT nhiều SGK, đa dạng hóa tài liệu giáo dục.
“Mục tiêu của CT GDPT hiện hành chưa chú trọng yêu cầu phát triển năng lực và phát triển tiềm năng riêng của mỗi học sinh. Mục tiêu của CT GDPT mới nhấn mạnh yêu cầu phát triển năng lực, chú ý phát huy tiềm năng vốn có của mỗi học sinh, chú ý phát triển cả con người xã hội và con người cá nhân. Đó chính là đổi mới căn bản trong CT GDPT”, dự thảo CTGDPT nhấn mạnh. Ngoài ra CT mới còn cụ thể hóa mục tiêu giáo dục thành hệ thống phẩm chất và năng lực cần đạt với những biểu hiện cụ thể theo từng cấp học. Đây là điểm mới mà các CT trước đó chưa có.
Mục tiêu cả 3 cấp học trong CT GDPT mới đều có phát triển so với mục tiêu từng cấp học của CT GDPT hiện hành. Theo CT hiện hành, cấp THPT mới đặt ra mục tiêu “hoàn thiện học vấn phổ thông”; còn CT mới đã đặt ra khi kết thúc THCS. Đặc biệt, CT giáo dục cấp THPT hiện hành ngoài mục tiêu củng cố và phát huy kết quả của giáo dục THCS, còn giúp học sinh “có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện lựa chọn hướng phát triển và phát huy năng lực cá nhân”; “giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân…”. Đây chính là điểm mới quan trọng so với mục tiêu GD cấp THPT hiện hành.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT, dự thảo CT tổng thể đã xác định các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung cần hình thành và phát triển cho học sinh. Theo đó, các phẩm chất chủ yếu là sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm. Các năng lực chung gồm tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, thẩm mỹ, thể chất, giao tiếp, hợp tác, tính toán, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Các cháu Trường Mầm non Sơn Ca 5, quận 12, TPHCM nghe cô đọc truyện. Ảnh: MAI HẢI
Nhiều môn học mới
Chủ trương dạy học tích hợp trong CT mới có một số điểm khác so với CT hiện hành như tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học. Tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá giáo dục. Theo đó, ở các cấp học sẽ xây dựng một số môn học tích hợp mới trên cơ sở phát triển các môn học tích hợp đã có.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, môn học có tên gọi mới là “cuộc sống quanh ta” (từ lớp 1 - lớp 3) nội dung vừa kế thừa CT môn “tìm hiểu tự nhiên và xã hội” trong CT hiện hành, vừa bổ sung và phát triển theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; “giáo dục lối sống” (từ lớp 1 - lớp 5) vừa kế thừa nội dung CT môn giáo dục đạo đức của CT hiện hành, vừa phát triển, bổ sung, thiết kế lại theo yêu cầu mới. Tiếp nối môn học này ở THCS là môn “Giáo dục công dân”.
Ở cấp THCS, môn học mới gồm: “khoa học tự nhiên” với cấu trúc nội dung tích hợp các chủ đề của các phân môn vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất; “khoa học xã hội” với cấu trúc nội dung tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về lịch sử, địa lý, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học, tôn giáo....
Môn học mới ở cấp THPT gồm: “Công dân với Tổ quốc” gồm các nội dung chủ yếu là giáo dục nhân cách công dân và giáo dục về quốc phòng - an ninh; “khoa học xã hội” (dành cho học sinh lớp 10 và 11 theo định hướng KHTN không học các môn lịch sử, địa lý); “khoa học tự nhiên” (dành cho học sinh lớp 10 và 11 theo định hướng KHXH, không học các môn vật lý, hóa học, sinh học); “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” như thực địa, tham quan, câu lạc bộ, hoạt động xã hội/tình nguyện, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, cắm trại, thực hành lao động...
Trong cả 3 cấp học, các môn học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Định hướng là phân hóa sâu dần từ lớp dưới lên lớp trên. Theo thứ tự từ tiểu học đến THPT, số lượng các môn học bắt buộc giảm đi và số môn học tự chọn tăng dần. Môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học. Nội dung các môn học bắt buộc tạo nên cốt lõi học vấn phổ thông, không thể thiếu đối với tất cả học sinh. Các môn học tự chọn gồm 3 loại: tự chọn tùy ý (TC1) là học sinh có thể chọn hoặc không chọn. Ví dụ với các môn học như ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc; tự chọn trong nhóm môn học (TC2) là học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong CT. Ví dụ ngoài các môn học bắt buộc cấp THPT (toán, ngữ văn, ngoại ngữ, công dân với Tổ quốc), học sinh được tự chọn một số môn trong số các môn học còn lại (lịch sử, địa lý, hóa học, sinh học, vật lý…); tự chọn trong môn học (TC3), là học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học, ví dụ trong môn học thể dục - thể thao, có nhiều nội dung hoạt động khác nhau như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bơi, cờ tướng… học sinh sẽ được chọn một số trong các hoạt động đó phù hợp với sở thích, nhu cầu của mình. Các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc và tự chọn được phân bổ cụ thể ở các cấp học.
Lộ trình triển khai thực hiện CTGDPT mới - Năm học 2018 - 2019: Lớp 1, lớp 6 và lớp 10 |
PHAN THẢO