Sáng 8-8, Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn ĐH-CĐ. Theo đó, điểm sàn ĐH năm 2011 khối A, D là 13; khối B, C là 14 điểm. Điểm sàn CĐ giảm tương ứng 3 điểm so với ĐH. Đây là mức điểm sàn thống nhất trong 3 năm trở lại đây.
Trên 400.000 thí sinh trên sàn ĐH
Theo thống kê, năm nay có 415.282 thí sinh có điểm thi ĐH trên sàn. Có 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1. Còn 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn không trúng tuyển NV1. Đây là nguồn tuyển NV2, NV3 rất lớn dành cho các trường ĐH. Tuy vậy, các trường tốp dưới, các trường ngoài công lập vẫn rất lo lắng trong việc tuyển sinh.
Lý giải về lo lắng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ, cho rằng với điểm sàn đã công bố, số thí sinh dưới sàn còn khá nhiều, như vậy các em sẽ học hệ khác, như trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp nghề. Các em không đủ điểm sàn sẽ xét tuyển vào các hệ đào tạo khác. Đó là sự phân luồng trong đào tạo. Còn lại số trên sàn không trúng NV1 để tuyển NV2, NV3 năm nay cũng rất lớn.
Cũng theo ông Ga, khi xác định điểm sàn, bộ đã tổng hợp tất cả các thông tin liên quan tới kết quả tuyển sinh, kết quả thi của thí sinh từng tỉnh, các vùng miền. Với kết quả này, bộ tính toán số dư rất lớn giữa số lượng thí sinh trên và dưới sàn. Vì thế hoàn toàn bảo đảm nguồn tuyển cho các trường, kể cả những trường tốp dưới, trường dân lập.
Bộ GD-ĐT cho rằng thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển NV 2,3 của các trường để quyết định việc rút hay không rút hồ sơ, nâng cao cơ hội trúng tuyển của mình. “Còn nếu các trường lo lắng thí sinh không nộp hồ sơ thì cần hiểu, ngay cả việc dư chỉ tiêu nhưng thí sinh không nộp hồ sơ vào là do trường đó chưa có uy tín, chưa có sức hút với xã hội”, ông Ga nói thêm.
Thủ khoa... dưới sàn
Theo thông lệ, nếu tuyển sinh khó khăn, các trường sẽ xin vận dụng Điều 33 trong Quy chế tuyển sinh để xét tuyển. Khi vận dụng, khoảng cách giữa các khu vực sẽ là 1 điểm thay vì 0,5 điểm như quy định chung. Như vậy khoảng cách từ khu vực 1 đến khu vực 3 là 3 điểm. Ví dụ với khối A, điểm sàn là 13 nhưng nếu được vận dụng Điều 33 thì 10 điểm vẫn có thể đậu ĐH.
Việc Bộ GD-ĐT không “chiều” theo các trường ngoài dân lập, vẫn giữ nguyên mức điểm sàn ít nhất là bằng 2 năm gần đây được dư luận đánh giá cao. Trong bối cảnh hiện nay, khi quy mô các trường vẫn đang được mở ra để giảm áp lực xã hội về nhu cầu học ĐH của người dân, việc định điểm sàn là điều không thể không làm. Ít nhất đó là ngưỡng kiến thức tối thiểu để bảo đảm năng lực thí sinh bước vào giảng đường ĐH. Đặc biệt, khi trình độ thí sinh còn quá chênh lệch như hiện nay (29,5 điểm ĐH cũng là thủ khoa ĐH và có trường ĐH thủ khoa chỉ đạt… 12,5 điểm, dưới cả điểm sàn) thì điểm sàn là yếu tố cần thiết để phân luồng học sinh. Nếu không có “sàn”, thí sinh đạt 2-3 điểm/môn cũng vào ĐH thì hậu quả lãng phí trong đào tạo và nguy cơ cho một nền nhân lực yếu kém là không thể đong đếm.
Ông Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho rằng khi xét điểm sàn thì phải xét trên cái chung. Với tổng chỉ tiêu như vậy, số trên sàn vẫn rất nhiều. Đối với nhiều trường, nhiều ngành có thể tuyển sinh khó khăn, không đủ chỉ tiêu. Ngay cả bản thân trường tôi, với sàn này sẽ có nhiều ngành không tuyển đủ chỉ tiêu, phải tuyển nhiều NV 2,3. Nhưng vì chất lượng chung, phải chấp nhận như vậy.
Điểm sàn bảo đảm chất lượng đầu vào tối thiểu, đồng thời bảo đảm mục tiêu phân luồng. Năm nay, số thí sinh đăng ký dự thi trên 1,9 triệu em, chỉ tiêu tuyển chỉ hơn 500.000. Như vậy, số thí sinh dưới sàn phải học các bậc thấp hơn. Trường tôi sẽ rất khó tuyển đủ chỉ tiêu khối C. Nhưng bộ đã tính toán để giúp các trường vì hệ số luân chuyển là khá lớn. Bộ cũng cho phép kéo dài thời gian tuyển NV2, NV3, cho phép thí sinh rút hồ sơ xét tuyển NV2, NV3. |
Lâm Nguyên
Thông tin liên quan |
Hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển NV2 |