Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã quyết định chia cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 30%, nhưng chi trả bằng cổ phiếu. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng lên phương án tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho năm 2017 và năm 2018 với tỷ lệ thực hiện là 21%. Theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank) cũng chia cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 30%; trong đó chia cổ tức bằng cổ phiếu 10%, 20% là cổ phiếu thưởng.
Các doanh nghiệp lấy lý do cần tăng vốn nên đã phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, nên có hiện tượng nhiều năm liền không ít nhà đầu tư không được nhận tiền mặt. Đối với những doanh nghiệp phải chi trả cổ tức bằng tiền mặt thì mức trả rất thấp, như Công ty CP Tập đoàn FLC, từ khi chào sàn đến nay chỉ trả cổ tức 2 lần bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 8%, trong khi cổ đông của FLC lại được nhận thêm một lượng cổ phiếu lớn sau nhiều lần công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành thêm để tăng vốn, trong đó có 2 lần phát hành tỷ lệ 100%.
Theo nhận định thị trường, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu khiến các nhà đầu tư không vui, vì khi tăng lượng cổ phiếu, giá trị sẽ bị giảm. Điển hình như cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng FLC Faros đã từng giao dịch với mức giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau nhiều lần phát hành chia cổ tức, tăng vốn (430 triệu cổ phiếu ban đầu lên 567 triệu cổ phiếu), hiện giá cổ phiếu chỉ còn 31.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, có trường hợp phải nhận cổ tức bằng cổ phiếu khi trị giá cổ phiếu của doanh nghiệp giao dịch dưới mệnh giá (dưới 10.000 đồng/cổ phiếu) nhưng bị nhận bằng mệnh giá. Điển hình như Tập đoàn Hoa Sen trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% khi giá cổ phiếu này chỉ khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu; SHB hiện cũng đang giao dịch chỉ khoảng 7.500 đồng/cổ phiếu…