Công dân Việt Nam có quyền đầu tư ra nước ngoài

Hỏi:

Hỏi: Là công dân Việt Nam và muốn đầu tư ra nước ngoài, tôi đề nghị cho biết thủ tục xin giấy phép và Luật Đầu tư ra nước ngoài như thế nào? Trần Trọng Tú (quận 1)

Trả lời: Theo Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1-7-2006, công dân Việt Nam (có hoặc không có doanh nghiệp trong nước) có quyền đầu tư ra nước ngoài như đưa vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác từ Việt Nam ra nước ngoài để tiến hành hoạt động đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp.

Việc đầu tư ra nước ngoài của công dân Việt Nam phải theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước tiếp nhận đầu tư. Đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp phải theo đúng các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán… Đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư trực tiếp phải có các điều kiện: Có dự án đầu tư ra nước ngoài; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam; được cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Dự án đầu tư ra nước ngoài gồm hai loại: Dự án đăng ký đầu tư có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng. Đối với dự án này, nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư theo mẫu tại cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Với Dự án thẩm tra đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng Việt Nam trở lên, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo mẫu tại cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư để thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư. 

Về nguyên tắc, các lãnh vực khuyến khích đầu tư ra nước ngoài gồm có: lãnh vực xuất khẩu nhiều lao động; phát huy có hiệu quả các ngành, nghề truyền thống của Việt Nam; mở rộng thị trường, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tại nước đầu tư, tăng khả năng xuất khẩu, thu ngoại tệ. Nhà nước Việt Nam không cấp phép đầu tư ra nước ngoài đối với dự án gây phương hại đến bí mật, an ninh quốc gia, quốc phòng, lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Việc đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư trực tiếp phải làm thủ tục tại cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư để đựơc cấp Giấy chứng nhận đầu tư; hoặc gián tiếp (mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu…) thì phải theo đúng các thủ tục, các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán…

Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA

Tin cùng chuyên mục