Công đoàn đề nghị lao động không nên "bán" sổ, "nhận 1 cục", vay tín dụng đen

Để triển khai “Tháng công nhân năm 2020”, Công đoàn Việt Nam yêu cầu hệ thống công đoàn cơ sở năm nay hướng dẫn người lao động chi tiêu tiết kiệm, không nên vay mượn từ tín dụng đen, không nên “bán” sổ bảo hiểm xã hội, không nên nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Sáng 25-4, văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Thanh Hải vừa ký công văn số 386 gửi các cấp công đoàn hướng dẫn tổ chức các hoạt động trong “Tháng công nhân” 2020 nhân sự kiện kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước (30-4) và Ngày Quốc tế lao động (1-5) năm nay trong tình hình dịch Covid-19. 

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh do văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam cung cấp

Theo hướng dẫn của Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn nơi có doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên triển khai thực hiện “Tháng công nhân năm 2020” theo chủ đề “duy trì việc làm – an toàn lao động – thu nhập ổn định”. 

Theo đó, công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động để ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động; nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong việc giám sát người sử dụng lao động khi thực hiện cắt giảm lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động khi bị cắt giảm lao động; quan tâm đến lao động nữ, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn.

Đối với những doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động giới thiệu việc làm cho người lao động hoặc tư vấn cho họ chuyển nghề, cung cấp thông tin tuyển dụng từ các cơ quan khác nhau, nơi tiếp nhận lao động, tìm cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động.

Công đoàn tổ chức tọa đàm, đối thoại giữa cán bộ công đoàn với các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động với chủ đề “công đoàn đồng hành với doanh nghiệp vượt khó hậu Covid-19”, đề xuất các giải pháp để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân lao động.

Đặc biệt, cần xúc tiến các hoạt động để ổn định thu nhập cho người lao động. Chủ động nắm bắt tình hình công nhân gặp khó khăn do giảm việc làm, nhất là công nhân nữ, công nhân có con nhỏ, công nhân bị ốm đau, bệnh tật, gia đình có nhiều thế hệ làm công nhân để tư vấn, hỗ trợ thực hiện các chế độ, chính sách của doanh nghiệp, đơn vị và của Nhà nước.

Hướng dẫn người lao động chi tiêu tiết kiệm; tuyên truyền, vận động người lao động nhận thức đầy đủ, không nên vay mượn từ tín dụng đen, không nên “bán” sổ bảo hiểm xã hội, không nên nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn tài chính công đoàn; vận động người sử dụng lao động và các đối tác phúc lợi hỗ trợ, chăm lo đời sống cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục