Công đoàn Việt Nam cần xây dựng kế hoạch ứng phó với cách mạng công nghiệp 4.0
SGGP
Sáng 24-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã chính thức khai mạc với 947 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước tham dự.
Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, vào chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới chào mừng và chủ trì diễn đàn “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Thảo luận tại diễn đàn, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho giai cấp công nhân. Trả lời băn khoăn của đại biểu Cao Thị Thắm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, về định hướng của Chính phủ như thế nào để giúp người lao động thích ứng với nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và tác động của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, CMCN 4.0 đặt ra vấn đề nếu không thận trọng thì máy móc, trí khôn nhân tạo sẽ chi phối con người nhưng nếu chúng ta thận trọng, sáng tạo, làm chủ công nghệ, ắt sẽ thắng lợi.
Được Thủ tướng chỉ định chia sẻ về hệ thống chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiền lương tối thiểu để làm căn cứ thảo luận, ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, đồng thời cũng là cơ sở để chúng ta điều tiết thị trường lao động.
“Không chỉ tiền lương tối thiểu theo tháng, mà tới đây, chúng ta sẽ xây dựng hệ thống tiền lương tối thiểu theo giờ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ và nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc xây dựng hệ thống tiền lương tối thiểu được thực thi trong thực tế.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động trước tình hình mới, mang lại lợi ích thiết thực và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, giác ngộ, tham gia xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.
Về những thách thức, khó khăn của đất nước, chia sẻ với khó khăn của người lao động, Thủ tướng thẳng thắn, đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chống phá, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; tự chuyển hóa, tự diễn biến, xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng, chính quyền; nguy cơ về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển đảo trước âm mưu, thủ đoạn của các nước lớn.
Trong khi đó, một bộ phận người dân, trong đó có công nhân, viên chức, lao động thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần; phần lớn công nhân phải làm thêm ngoài giờ mới đủ trang trải cuộc sống. Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội còn nhiều; các thiết chế phục vụ công nhân thiếu trầm trọng.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức chia sẻ với những khó khăn của một bộ phận công nhân, viên chức, lao động và tự thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó. Làm gì để người dân nói chung, trong đó có công nhân lao động không còn khó khăn, vất vả, không còn nghèo nàn và lạc hậu là những câu hỏi lớn canh cánh trong lòng bao người dân Việt Nam yêu nước.
Thủ tướng chia sẻ: “Là người đứng đầu Chính phủ, câu hỏi đó với cá nhân tôi càng thiết tha, thúc giục biết nhường nào”.
Thủ tướng mong muốn công nhân, viên chức, lao động cả nước mỗi người một tay, góp sức chung tạo thành sức mạnh cả dân tộc, tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Thủ tướng đề nghị mỗi người phải thường xuyên học tập để thích nghi với bối cảnh mới, với cuộc CMCN 4.0, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, tay nghề, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp để có năng suất cao, thu nhập tốt. Thủ tướng đề nghị Công đoàn Việt Nam cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với tác động của cuộc CMCN 4.0, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; về nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu mới…
Đặt niềm tin tuyệt đối ở tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam giàu truyền thống tiến công và cách mạng, Thủ tướng nhấn mạnh diễn đàn này là một dấu mốc quan trọng, như một cú hích, khơi dậy trách nhiệm và niềm tự hào cho mỗi đoàn viên, người lao động khi được đóng góp sức mình vào nhiệm vụ lớn của quốc gia.
Ngày 25-9, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII sẽ tổ chức phiên trọng thể với sự tham dự của 7 đoàn đại biểu quốc tế. Đại hội sẽ bầu ra Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII nhiệm kỳ 2018 - 2023.