Đây là hoạt động thường niên trong 16 năm qua nhằm hiện thực hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư của TPHCM, tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Theo ITPC, đến giữa tháng 10-2017, có 50 câu hỏi được chuyển đến các sở, ban ngành liên quan, xoay quanh 4 nhóm vấn đề: môi trường, đời sống; pháp luật; lao động; thuế và hải quan.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại hội nghị bàn tròn của nhiều năm trước, có 2 lĩnh vực được các DN Nhật Bản quan tâm hàng đầu là thuế và hải quan, thủ tục đầu tư, thì hội nghị năm nay được đánh giá đã có sự cải thiện đáng kể, tạo sự hài lòng cho DN. Thay vào đó, các nội dung về môi trường, đời sống; pháp luật và lao động đã và đang trở thành tâm điểm quan tâm của các DN Nhật.
Cụ thể, các đại biểu đã kiến nghị xem xét lại nội dung Dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; xác nhận sự cần thiết của thủ tục đăng ký góp vốn theo điều 26 của Luật Đầu tư đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài (đã có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư - IRC) tăng vốn; quy định về hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị cũ theo Thông tư 23; quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc với người lao động nước ngoài; quy định về thủ tục đăng ký sử dụng máy photocopy màu mỗi khi DN chuyển địa điểm làm việc cũng cần phải xem lại.
Theo các DN, Dự thảo nghị định liên quan đến việc người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc đi vào thực thi, sẽ làm tăng gánh nặng về tiền bảo hiểm cho nhà tuyển dụng lao động. Liên quan đến Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc cũ sẽ hạn chế đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, vì vậy cần có sự hợp tác của các DN nhỏ và vừa nước ngoài.
Về vấn đề này, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Công thương và các bộ chuyên ngành lập phương án sửa đổi Thông tư số 23 theo chỉ đạo của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho DN.
Trường hợp JBAH cho rằng DN Nhật Bản gặp khó khăn với quy định về khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề ít nhất 5% trên thang, bảng lương và có nguyện vọng bãi bỏ quy định trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận, báo cáo UBND TPHCM xem xét, trình Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhận định, với các hoạt động và nỗ lực cải tiến môi trường đầu tư mà TP đã, đang và sẽ thực hiện, quan hệ kinh tế TPHCM - Nhật Bản sẽ được tăng cường và số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng sản xuất, hoạt động thành công tại TP sẽ nhiều hơn nữa. Chính quyền TPHCM sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến đóng góp của cộng đồng DN Nhật Bản.
Cùng quan điểm trên, ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch JBAH tại TPHCM, cho biết, hiện số hội viên của JBAH đã lên tới 944 DN (chiếm 70% tổng số DN Nhật Bản đang hoạt động tại TPHCM), đứng thứ 3 sau các hiệp hội DN Nhật Bản trên thế giới. Việc tham gia vào JBAH cũng đồng nghĩa, các DN Nhật Bản mong muốn có cơ hội đề xuất các kiến nghị thông qua hội nghị bàn tròn với chính quyền TPHCM, từ đó tháo gỡ nhanh, kịp thời những khó khăn cho DN, hướng về mục đích chung là thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển mạnh mẽ.