
LTS: Sau khi giới thiệu chuyên đề về mạng CDMA trên Tuần san số 800 (ngày 29-7-2006), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Diệp (ảnh), Giám đốc Phát triển kinh doanh tại Đông Dương của Qualcomm(*). Ông cho biết:

CDMA 450 cung cấp một giải pháp viễn thông vô tuyến cực kỳ hữu hiệu nhờ vùng phủ sóng rộng, khả năng cung cấp những dịch vụ thoại chất lượng tốt nhất và truyền dữ liệu tốc độ cao với tính bảo mật gần như tuyệt đối.
Các dịch vụ CDMA 450 (tên chung của CDMA 2000 1X và 1xEV-DO) sử dụng băng tần 450- 470 MHz- rất lý tưởng cho việc phủ sóng nông thôn hoặc hỗ trợ những khu vực chưa được phục vụ tại Việt Nam.
Ước tính chi phí triển khai của CDMA 450 chỉ bằng 1/10 chi phí của mạng hữu tuyến truyền thống. Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, CDMA 450 chính là công nghệ “đi tắt, đón đầu” cần thiết để đẩy nhanh tốc độ đầu tư hạ tầng viễn thông không dây, tiết kiệm ngân sách…
Tất cả tính năng và lợi ích hấp dẫn của công nghệ vô tuyến tiên tiến được sử dụng trong các băng tần số cao hơn khác sẽ được dành cho thuê bao CDMA 450.
Khi đó, khách hàng được tiếp cận với giáo dục từ xa, y học từ xa, dịch vụ định vị, chơi game tương tác, thương mại di động, tải audio/nhạc chuông, truyền video di động- kể cả các ứng dụng máy ảnh và máy quay phim.
Trên thế giới, truyền thông vô tuyến di động cũng đang chứng minh những lợi ích xã hội trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, cứu trợ thiên tai và an toàn công cộng.
Tại Nam Á, sau trận sóng thần vào tháng 12- 2004, thiết bị mạng CDMA và các thiết bị đầu cuối cố định đã được dùng để xây dựng các hệ thống viễn thông khẩn cấp và xây dựng lại các mạng viễn thông.
Tại Hàn Quốc, một dịch vụ tìm, mô tả trẻ em thất lạc và gửi hình ảnh và các trẻ em thất lạc đến thuê bao tại những khu vực có nhiều tội phạm hình sự.
Tại châu Á, CDMA 450 đã được triển khai tại Indonesia, Campuchia, Lào, Tây Tạng (Trung Quốc), Pakistan, Kyzgyzstan, Tajikistan, Việt Nam và Uzbekistan… tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Ví dụ, tại Campuchia, CDMA 450 đang được sử dụng vào dịch vụ thoại cho các khu dân cư nông thôn, mặc dầu nó có thể cung cấp truyền thông dữ liệu di động tốc độ cao.
Ở Việt Nam, Qualcomm cam kết hỗ trợ các nhà khai thác đưa các dịch vụ thế hệ 3G CDMA tiên tiến đến các cộng đồng ít được phục vụ.
Bên cạnh việc hợp tác phát triển sản xuất thiết bị đầu cuối CDMA, Qualcomm đã tổ chức một số khóa đào tạo cho các chuyên gia viết các ứng dụng BREW trong nước.
(*) Qualcomm- nhà phát triển và phát minh hàng đầu thế giới về CDMA và các công nghệ vô tuyến khác- vừa loan báo việc thành lập một liên doanh với nhà sản xuất ĐTDĐ IQLinks (Việt Nam).
Là nhà sản xuất thiết bị đầu cuối CDMA 450 đầu tiên ở Việt Nam, liên doanh IQLinks cũng là công ty đầu tiên đặt trụ sở tại Việt Nam có một thỏa thuận giấy phép bằng sáng chế với Qualcomm để phát triển, sản xuất và bán điện thoại di động và thẻ modem CDMA 2000 và EV-DO.
Chí Thủy (thực hiện)