Công nghiệp điện tử hội nhập FTA, TPP - Nỗi lo lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Ngành công nghiệp điện tử đang có mức tăng trưởng hàng năm khá cao, song do nền công nghiệp hỗ trợ kém và lệ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên dẫn đến giá trị thu về chẳng được bao nhiêu.
Công nghiệp điện tử hội nhập FTA, TPP - Nỗi lo lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Ngành công nghiệp điện tử đang có mức tăng trưởng hàng năm khá cao, song do nền công nghiệp hỗ trợ kém và lệ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên dẫn đến giá trị thu về chẳng được bao nhiêu.

Nhập khẩu 88%

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) điện tử Việt Nam (VEIA) Lưu Hoàng Long, đến nay kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt được khá cao, đứng đầu các ngành hàng xuất khẩu cả nước với tốc độ tăng trưởng trên dưới 30% hàng năm. Tuy kim ngạch xuất khẩu lớn như vậy, nhưng giá trị chủ yếu nằm ở những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa hóa còn thấp, khoảng 20% - 30%. “Phải nhìn nhận, trong những năm qua, ngành công nghiệp điện tử (CNĐT) đã có bước phát triển vượt bậc. Các sản phẩm điện tử của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 thị trường, trong đó có các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, dù kim ngạch xuất khẩu cao, song ngành CNĐT phụ thuộc nhiều vào các đầu vào nguyên liệu nhậu khẩu, dẫn đến hiệu quả chưa cao”, đại diện VEIA nêu thực trạng. Cụ thể, năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử có nguồn gốc từ nhập khẩu chiếm 43,7%. Đến năm 2011, con số này tăng lên 49,3%. Trong năm 2015, kim ngạch nhập khẩu linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử của Việt Nam đã đạt khoảng 21 tỷ USD, còn linh kiện điện thoại đạt 10 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2016 nhập khẩu nhóm hàng này đạt hơn 20,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.

Sản xuất thiết bị điện tử ở một nhà máy tại quận Bình Thạnh Ảnh: THÀNH TRÍ

Đại diện Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cũng nhìn nhận, trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, các DN nội địa hiện đã đáp ứng 30% - 35% nhu cầu linh kiện đối với điện tử gia dụng. Tuy nhiên, sản phẩm cung ứng cho điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dùng cho công nghệ cao chỉ đạt 5%. Còn theo Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (SIDEC) thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa của các DN điện tử nội địa hiện chỉ đạt 12%, còn lại 88% nhập từ nước ngoài, từ nhập linh kiện điện tử cao cấp đến linh kiện cơ khí, nhựa, cao su. “Đơn cử, một chiếc tivi lắp ráp ở Việt Nam thì 97% linh kiện điện - điện tử, 87% linh kiện nhựa, cao su và 81% linh kiện cơ khí là phải nhập khẩu”, đại diện SIDEC giải thích.

Đa dạng kênh đầu tư  

Trong đối thoại mới đây về ngành CNĐT Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào TPP và FTA, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, TPP mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, điện tử… Trong đó, ngành CNĐT là biểu tượng cho hội nhập của Việt Nam, đóng góp nhiều cho xuất khẩu, ghi tên vào bản đồ các nước xuất khẩu nhiều đồ điện trên thế giới. “Tuy nhiên, có thể nói CNĐT Việt Nam chưa thoát khỏi công nghệ lắp ráp. Việc công nhân lắp ráp trong ngành này không khác công nghiệp dệt may. Do đó, cần tạo đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế, bắt đầu từ đột phá trong ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục dạy nghề. Thêm vào đó, tập trung phát triển mạnh mẽ các DN nội địa”, ông Lộc nhấn mạnh. Mặt khác, để tăng giá trị, tạo việc làm bền vững cho người lao động cần có chiến lược nâng cao chất lượng công nghiệp bền vững để cạnh tranh với lao động giá rẻ các nước và cạnh tranh với robot.

Đồng quan điển trên, bà Yukiko Arai, đại diện Phòng hoạt động doanh nghiệp đa quốc gia của ILO Genava, cho rằng, các DN nội địa trong ngành CNĐT tham gia chuỗi giá trị toàn cầu gặp không ít khó khăn. Khoảng cách về công nghệ là rào cản chính của các DN Việt Nam. Do vậy, việc bắt kịp công nghệ, nâng cấp theo quá trình thông qua những liên hệ với các tập đoàn đa quốc gia là điều cần thiết. Để thực hiện điều này, cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành CNĐT với các quy mô, loại hình khác nhau, từ lắp ráp thành phẩm đến sản xuất linh kiện, phụ tùng và các sản phẩm hỗ trợ, trong đó đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất phát triển điện tử chuyên dùng, bao gồm sản xuất sản phẩm, linh kiện, phụ tùng và sản phẩm hỗ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử y tế, điện tử công nghiệp... Đồng thời, phát triển mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành CNĐT. Đối với thị trường trong nước, cần tăng cường công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu về sử dụng sản phẩm ngành CNĐT trong cơ quan Nhà nước, DN và xã hội. Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cơ quan Nhà nước sử dụng các sản phẩm điện tử sản xuất. Đối với thị trường xuất khẩu, cần xây dựng chương trình quảng bá hình ảnh sản phẩm điện tử “an toàn, chất lượng cao” có xuất xứ Việt Nam tại các thị trường nước ngoài. Mặt khác, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Hỗ trợ các DN thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện của DN hoặc các trung tâm thương mại ở nước ngoài để tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu và ký kết hợp đồng, tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục