Sau nhiều năm thay đổi quy hoạch, đầu tư, phát triển, nhưng đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn giậm châm ở giai đoạn phát triển sơ khai, manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp.
80% nguyên liệu phải nhập khẩu
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Công thương, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ tập trung phát triển CNHT thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu là linh kiện phụ tùng, CNHT ngành dệt may và hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao và theo các định hướng. Cụ thể, trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử, đến năm 2020 đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước. Đến năm 2030, đáp ứng 80% nhu cầu này. Các ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, máy nông nghiệp, điện tử… được ưu tiên phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm linh kiện phụ tùng tham gia thị trường khu vực và quốc tế. Trong lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày, đạt tỷ lệ cung cấp trong nước 65% ngành dệt may, 75% - 80% ngành da giày. Ưu tiên thu hút vào lĩnh vực nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày, hình thành các cụm liên kết ngành trong sản xuất CNHT cho ngành dệt may, da giày tại các vùng kinh tế trọng điểm…
Sản xuất khuôn mẫu cơ khí chính xác cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Nhà máy Cơ khí chính xác Amura Precision, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Mặc dù quy hoạch đã đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ khá rõ ràng, cụ thể như nêu trên, nhưng nhìn vào thực trạng ngành CNHT hiện nay sẽ rất khó thực hiện. Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên là do nguồn nguyên liệu đầu vào có vai trò đặc biệt quan trọng, đôi khi mang tính quyết định trong chiến lược phát triển CNHT, nhưng đến nay gần như chưa làm được gì. Một lãnh đạo thuộc Tổng Công ty CP Lilama 18 - đơn vị chuyên gia công chế tạo kết cấu thép cẩu container duy nhất tại Việt Nam cho hãng Kocks Ardelt Kranbau chia sẻ, thực tế năng lực cạnh tranh của ngành CNHT của Việt Nam rất kém, vì đa phần là gia công. Thậm chí, khi các DN nước ngoài vào Việt Nam thuê gia công, sau khi thẩm định, thương lượng về giá trên cơ sở lấy giá thành của Trung Quốc vốn rất rẻ để ép giá DN Việt… Chỉ tính riêng ngành công nghiệp cơ khí, trong khi chúng ta có nhiều nguyên liệu nguồn như quặng sắt, đồng, chì, kẽm…, nhưng cả nước hiện chỉ duy nhất Công ty Gang thép Thái Nguyên là sản xuất ra thép thành phẩm từ quặng sắt, so với nhu cầu vẫn chỉ là muối bỏ bể. Trong ngành công nghiệp đóng tàu, để chế tạo ra một con tàu mà Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang đóng mới, có tới hơn 80% nguyên vật liệu tàu vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. “Có thể thấy, một số DN nước ngoài đầu tư tại nước ta để sản xuất các linh kiện điện tử, vì không có nguyên liệu đầu vào nên họ phải nhập hầu hết nguyên liệu từ nước ngoài. Tương tự, các DN trong nước dù có đầu tư cho phát triển CNHT như dây chuyền công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện lại cũng phải nhập nguyên liệu, do đó đôi khi chỉ còn lại giá trị gia công… Các DN sẽ không có điều kiện và cũng không có đủ khả năng để độc lập nghiên cứu sản xuất nguyên liệu đầu vào bởi yếu tố thị trường đơn lẻ”, chuyên gia kinh tế - TS Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM dẫn chứng.
Khó tiếp cận vốn hỗ trợ
Trên thực tế, cùng với việc công bố quy hoạch ngành, hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển DN nói chung, DN vừa và nhỏ nói riêng, nhất là DN sản xuất sản phẩm CNHT đã được ban hành. Gần đây nhất, ngày 16-5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Nghị quyết nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ ngành trong việc tháo gỡ khó khăn và có chính sách hỗ trợ DN, nhất là việc hỗ trợ các DN khởi nghiệp và DN sáng tạo. Trước đó, theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến năm 2015, cả nước có khoảng 40 quỹ và loại quỹ tài chính nhà nước được thành lập với mục đích, quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động khá đa dạng. Tuy nhiên, việc thể chế hoá và cụ thể hoá chính những chính sách này còn nhiều bất cập nên DN rất khó tiếp cận. Đơn cử, đã có DN sản xuất ô tô mạnh dạn đầu tư phát triển thiết bị phụ tùng lắp ráp và thay thế, nhưng phải ngừng hoạt động do không vay được vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, theo Nghị định/Quyết định của Chính phủ về việc hình thành Quỹ tài chính nhà nước đều được khẳng định rõ, quỹ được mở tài khoản tại kho bạc hoặc các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo quy định quản lý và cách hiểu còn khác nhau nên hầu hết các quỹ, nhất là ở các bộ ngành đang quản lý đều chỉ được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước (thực hiện theo Luật Ngân sách). Trong khi đó, hệ thống kho bạc nhà nước không thực hiện chức năng cho vay theo hình thức tín dụng. Đây đang là vướng mắc lớn nhất khiến cả cơ quan quản lý nhà nước dù rất muốn nhưng không thể vận hành được và các DN cũng không thể đủ điều kiện để vay. Chưa kể, do việc hình thành các quỹ cho các mục tiêu khác nhau nên mỗi quỹ đều có Điều lệ quy định riêng. Điều này dẫn đến các DN đang rất khó tiếp cận để diễn giải nội dung chi tiết, phụ thuộc khá nhiều về cơ quan quản lý dẫn đến việc xem xét, giải quyết các thủ tục hồ sơ bị kéo dài, nhiều khi mất cơ hội đầu tư, dẫn đến DN không còn mặn mà với các chính sách ưu đãi, trong khi nhu cầu về vốn của lại rất lớn. “Chính vì những nguyên nhân này mà những giải pháp hướng đến DN trong lĩnh vực CNHT đến nay kết quả chưa mấy khả quan. Do đó, vấn đề về phát triển CNHT nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy, đặc biệt là các DN tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm linh kiện cho điện tử đang là một thách thức đối với các bộ ngành và địa phương”, TS Trần Minh Ngọc phân tích.
VĂN DIỆU