Mặc dù doanh thu ngành đạt cả chục tỷ USD mỗi năm, nhưng do phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong khi đó, chính sách không tạo được lực hút đầu tư, đang khiến ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói chung cũng như ngành nhựa - cao su nói riêng rơi vào cảnh tụt hậu.
Chất lượng thấp, giá thành cao
Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nhựa hiện nay ở mức 12%/năm. Đây là con số tăng trưởng âm so với thời điểm trước đây là trên 20%/năm. Doanh thu của ngành trong năm 2013 đạt hơn 9 tỷ USD và có khoảng 200.000 lao động làm việc trong 2.000 doanh nghiệp. Dù nhìn vào con số doanh thu khá hấp dẫn nhưng hàng năm có đến 80% chủng loại nguyên liệu nhựa phải nhập khẩu. Các chủng loại nguyên liệu được nhập khẩu nhiều nhất là PE và PP từ các thị trường chính như Hàn quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Arab Saudi, Nhật, Malaysia…
Trong khi đó, đến nay Việt Nam có hơn 20 chủng loại sản phẩm được xuất khẩu tới các thị trường nhưng mức tăng trưởng qua hàng năm khá thấp, đến năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ngành mới chỉ đạt hơn 2,4 tỷ USD/năm. Các sản phẩm nhựa được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường châu Âu; Nam Mỹ và Nhật, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Trong số các sản phẩm xuất khẩu, có hơn 56% là sản phẩm bao bì các loại dùng trong vận chuyển, bao gói lương thực thực phẩm; 10,6% là các sản phẩm nhựa gia dụng; nhựa kỹ thuật chiếm 8,2 % và nhựa xây dựng 2,1%. Dù vậy, ông Hồ Đức Lam vẫn lạc quan cho rằng, ngành nhựa trong nước đang có những bước cải thiện đáng kể, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, cải tiến kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế như chưa chủ động tìm hiểu, thâm nhập sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa vừa yếu, vừa thiếu. Ảnh: CAO THĂNG
Chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa TPHCM Nguyễn Quốc Anh cho biết, cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cao su, trong đó 40 doanh nghiệp sản xuất săm lốp, 160 doanh nghiệp còn lại sản xuất cao su kỹ thuật. Và cũng như thực trạng của ngành nhựa, nguyên liệu cao su phải phụ thuộc nhập khẩu đến 80%. Riêng khu vực TPHCM có 2/3 trong tổng số doanh nghiệp cả nước, chiếm 50% năng lực cao su kỹ thuật. Tuy vậy, các doanh nghiệp cao su trong nước chủ yếu cung cấp một số sản phẩm cơ bản như: Cao su gác chân, giảm chấn, cao su đệm…, còn phần lớn các sản phẩm cao su cao cấp như dây đai truyền lực, phớt, ống cao su thủy lực… đều nhập khẩu hoặc do các doanh nghiệp FDI cung cấp.
“Trong 3 tháng qua, Hội đã làm một khảo sát nhỏ về năng lực các doanh nghiệp hội viên tham gia công nghiệp hỗ trợ cho 2 ngành là ô tô xe máy, điện tử. Qua đây cho thấy, 90% không đáp ứng được về công nghệ, 95% không đáp ứng được về giá, 90% không đáp ứng được về quản trị và trình độ công nghệ không cao, chưa có hệ thống thiết kế sản phẩm, hệ thống quản lý chưa đảm bảo. Mặc dù chất lượng chưa tốt nhưng giá thành của các doanh nghiệp đưa ra lại cao gấp 10 lần so với mức giá khách hàng kỳ vọng” - ông Nguyễn Quốc Anh thẳng thắn nhìn nhận.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cao su Thống Nhất Nguyễn Đức Hồng, hạn chế lớn nhất của thực trạng ngành là số lượng nhu cầu nội địa ít nên chi phí sản xuất sản phẩm cao, dẫn đến giá cả kém cạnh tranh. Ngoài ra, các mẫu mã, tiêu chuẩn sản phẩm không đồng nhất; những ngành công nghiệp cơ bản về nguyên liệu, hóa chất, cơ khí còn thiếu và yếu.
Xây dựng chính sách đột phá
Với kinh nghiệm cung ứng sản phẩm cao su trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, theo ông Nguyễn Đức Hồng, các doanh nghiệp trong nước cần có hệ thống chất lượng và chứng chỉ chất lượng của từng ngành hàng. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm phải ổn định và đồng bộ, đặc biệt giao hàng đúng hẹn, nguyên vật liệu phải rõ nguồn gốc; số lượng và giá cả phải cạnh tranh. Các hiệp hội cần liên kết các doanh nghiệp theo từng ngành để sắp xếp điều chỉnh cho phù hợp. Các cơ quan chức năng như thuế cần xem xét miễn thuế cho các linh kiện, phụ tùng trong nước chưa sản xuất được để phục vụ sản xuất cho CNHT. Ngoài ra, cần có sự liên kết ngành để các doanh nghiệp hỗ trợ, bổ sung nhau, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh. Các cơ quan thực thi cần tạo chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu đầu vào.
Để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên sân nhà trước thách thức của hội nhập cũng như vươn ra thị trường thế giới, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam Hồ Đức Lam đề nghị, Bộ Công thương nghiên cứu hình thành hệ thống thông tin về CNHT cả nước, thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành và đăng tải trên trang website của Bộ Công thương. Tổ chức kết nối với các cơ sở dữ liệu của các địa phương có xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin về CNHT một cách tốt nhất cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
“Đối với sản phẩm nhựa phục vụ cho các ngành CNHT rất đa dạng và phong phú, để có định hướng phát triển phù hợp với điều kiện của đất nước, của địa phương trong bối cảnh hội nhập, Bộ Công thương cần nghiên cứu hình thành Danh mục sản phẩm CNHT trọng điểm của quốc gia cho từng thời kỳ và đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển, trình Chính phủ phê duyệt để phát triển CNHT có trọng tâm, trọng điểm”, ông Lam đề nghị. Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Phương Đông cũng cho rằng, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư và các đầu vào khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNHT mà trong nước chưa sản xuất được. Khuyến khích các doanh nghiệp FDI phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam, thu mua sản phẩm CNHT tại chỗ.
Ngoài ra, cần phân vai, quy hoạch vùng nguyên liệu, kiểm soát các cam kết sau khi thu hút các FDI, gắn hỗ trợ FDI với các cam kết về chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội địa. Bố trí quỹ đất cho ngành CNHT nhựa - cao su kỹ thuật, xây dựng các “chung cư nhà xưởng”. Miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất CNHT như hạt nhựa, phụ gia… Bên cạnh đó, phát huy vai trò hiệp hội, hội ngành nghề trong liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau.
LẠC PHONG