Các ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM đã được đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nhằm quyết tâm đẩy mạnh tốc độ phát triển. Song đến nay mặc dù tỷ trọng ngành đạt khá cao, nhưng hiệu quả lại không đáng kể.
Tăng trưởng chậm
Theo Sở Công thương TPHCM, quá trình công nghiệp hóa của TPHCM đặt trọng tâm vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) bao gồm: cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin; hóa chất, cao su-nhựa; chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Theo đó, trong thời gian qua sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp diễn ra theo hướng tích cực nhưng khá chậm. Giá trị sản xuất công nghiệp của 4 ngành công nghiệp trọng yếu dịch chuyển từ chiếm tỷ trọng 54% vào năm 2006 lên 58,08% năm 2014. Bên cạnh đó, TPHCM củng cố phát triển tốt 2 ngành truyền thống dệt may và da giày theo hướng sản xuất hàng thời trang, cao cấp. Các cơ sở sử dụng nhiều lao động giản đơn, ảnh hưởng môi trường được sắp xếp, di dời vào các khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận.
Từ nhiều năm liền, tỷ trọng giá trị sản xuất hai ngành công nghiệp truyền thống chiếm khoảng 20% trong toàn ngành công nghiệp. Như vậy, ước tính đến năm 2014 tỷ trọng giá trị công nghiệp của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành truyền thống chiếm tỷ trọng lên đến 78,05% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tại TPHCM, trong đó các ngành chiếm tỷ trọng cao bao gồm cơ khí chế tạo, cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm với ngành cơ khí chế tạo có tốc độ tăng trưởng cao nhất là 19%. Riêng ngành điện tử-công nghệ thông tin, mặc dù có nhiều kỳ vọng của lãnh đạo TPHCM nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn là 5% và tốc độ tăng trưởng khoảng 10%.
Vận hành dây chuyền sản xuất bao bì nhựa chất lượng cao cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Tổng Công ty Liksin. Ảnh: CAO THĂNG
Đáng chú ý, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, số lượng doanh nghiệp và lao động trong giai đoạn 2011-2014 có xu hướng giảm, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp và số lao động có xu hướng giảm về tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, quá trình công nghiệp hóa của TPHCM đang có hạn chế xét về quy mô thu hút doanh nghiệp và lao động, cũng như xét về tăng trưởng của các chỉ tiêu hiệu quả. “Những hạn chế trong quá trình công nghiệp hóa của TPHCM phần lớn xuất phát từ việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Cấu trúc hợp lý công nghiệp là tỷ lệ số lượng doanh nghiệp và lao động trong ngành công nghiệp hỗ trợ phải nhiều hơn sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong công nghiệp của TPHCM thì có xu hướng ngược lại, số lượng doanh nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhỏ hơn rất nhiều so với sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, phân tích. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hỗ trợ chiếm 20,39%, trong khi đó sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh chiếm 79,61%. Số lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hỗ trợ chiếm 38,45%, trong khi đó sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh chiếm 61,55%. Hơn nữa, khả năng tạo doanh thu của doanh nghiệp, lao động của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ thấp hơn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Mất cân đối cơ cấu sản xuất
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, sự bất hợp lý trong cấu trúc của các ngành công nghiệp của TPHCM hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm tỷ trọng lớn về số lượng, lao động trong ngành công nghiệp, nhưng đóng góp nhỏ về doanh thu, lợi nhuận, cũng như nộp ngân sách.
Tính đến năm 2013, DNNVV chiếm 95,81% về số lượng, chiếm 42,26% về số lượng lao động toàn ngành công nghiệp TPHCM, nhưng chỉ đóng góp 21,36% về doanh thu, 6,68% về lợi nhuận và 9,78% về nộp ngân sách. Đồng thời cũng là khu vực dễ bị tổn thương do hiệu quả thấp. Tính đến năm 2013, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của DNNVV là 1,8%. Trong khi đó, tỷ suất này tính bình quân các doanh nghiệp toàn ngành là 6,9%. Do hạn chế về mặt công nghệ nên nhiều DNNVV của Việt Nam bị rơi vào vòng luẩn quẩn của năng lực cạnh tranh. Vòng luẩn quẩn năng lực cạnh tranh của DNNVV bắt đầu từ những hạn chế về vốn, do tài sản thế chấp nhỏ nên khó tiếp cận tín dụng nhằm thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém và giá thành sản phẩm cao. Theo đó, năng lực cạnh tranh kém đưa đến kết cục hiệu quả kinh tế thấp, khó tích tụ vốn để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển. “Tóm lại, các ngành công nghiệp trọng yếu mặc dù chiếm tỷ trọng cao nhưng tốc độ tăng trưởng không đồng đều, trong đó ngành điện tử là ngành mà TPHCM kỳ vọng nhiều nhưng cơ cấu tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng khiêm tốn. Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2014 các ngành công nghiệp này có dấu hiệu hiệu quả thấp. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế của ngành công nghiệp TPHCM là thiếu các ngành công nghiệp hỗ trợ, mất cân đối giữa sản xuất sản phẩm hỗ trợ và sản phẩm hoàn chỉnh, đa số các doanh nghiệp là các DNNVV, năng lực cạnh tranh thấp”, chuyên gia kinh tế Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, nhận xét.
Ngoài ra, thêm hạn chế của nội bộ các ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn TPHCM là có giai đoạn sự chuyển dịch cơ cấu giá trị gia tăng diễn ra chậm. Đơn cử, giai đoạn 2010-2013, tỷ trọng các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điện tử-công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng thấp. Ngược lại, các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp hơn như chế biến tinh lương thực, thực phẩm lại chiếm tỷ trọng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do các ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn TP hoạt động với phương thức gia công, lắp ráp, sơ chế là chủ yếu, cộng thêm nền công nghiệp hỗ trợ èo uột nên giá trị gia tăng trong từng ngành thấp.
LẠC PHONG