Công tác phối hợp giữa các cơ quan chậm trễ, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản

Chiều 26-12, tại TP Biên Hoà, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai tổ chức họp báo chuyên đề thông tin về việc không khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất Thuận Phong (Công ty Thuận Phong).

Chủ trì họp báo có: Ông Phạm Tấn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai; ông Lê Ngọc Minh, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Nai; Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai; cùng đại diện sở ngành liên quan, lãnh đạo Công ty Thuận Phong và cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Theo thông cáo báo chí, ngày 24-4-2015, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại Công ty Thuận Phong (phường Long Bình, TP Biên Hòa), phát hiện công nhân sang chiết phân bón dạng nước vào chai, dán nhãn hiệu Vitol có xuất xứ từ Hoa Kỳ. Nghi vấn là hàng giả nên tổ công tác đã lập biên bản và chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai. Đến ngày 23-2-2016, liên ngành Tư pháp Trung ương, tỉnh Đồng Nai đã họp kết luận những vi phạm nói trên, chỉ xử lý hành chính. Và sau đó, cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai quyết định không khởi tố hình sự. Công ty Thuận Phong chỉ bị UBND tỉnh Đồng Nai bị xử hơn 500 triệu đồng đối với 7 hành vi vi phạm theo quy định.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi họp báo

Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi họp báo

Tuy nhiên, ngày 31-5-2017, Viện KSND tối cao yêu cầu Viện KSND tỉnh Đồng Nai hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 23/QĐ - PC46 của Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp tục điều tra. Sau nhiều lần gửi công văn đốc thúc, Công an tỉnh Đồng Nai nhận được kết luận giám định của Bộ KH- CN về 7 loại nhãn hiệu Breakout, Jackpot, Vitol, Honey pround, Agave promax, Zap, Boron của Công ty Bio Huma Neties (Hoa Kỳ) do Công ty Thuận Phong nhập khẩu, sang chiết, dán nhãn, đóng chai là không giả về chất lượng, nguồn gốc, không phải là buôn bán hàng cấm. Kết luận giám định tư pháp của Bộ NN- PTNT, Bộ Công thương cũng khẳng định, 29 loại phân bón sản xuất trong nước không phải là hàng giả.

Lãnh đạo Công ty Thuận Phong cho biết, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản

Lãnh đạo Công ty Thuận Phong cho biết, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản

Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo, Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, vụ án kéo dài do công tác phối hợp giữa các cơ quan còn chậm trễ, nhất là cơ quan giám định và sau nhiều lần có văn bản đốc thúc, cơ quan giám định của Bộ KH- CN mới có kết luận gửi đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở kết quả điều tra làm rõ, ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND tối cao và sự thống nhất của các cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai, ngày 24-8-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai mới ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự về các tội Buôn bán hàng cấm và sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón tại Công ty Thuận Phong.

Lãnh đạo Công ty Thuận Phong cho biết, sau vụ việc, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cổ đông, người lao động gửi đơn kêu cứu đến cơ quan, ban ngành địa phương và Trung ương để giải trình về những vi phạm của công ty chỉ ở mức độ xử lý hành chính, công ty không có động cơ sản xuất phân bón giả... Quá trình giám định mẫu, nhãn hiệu phức tạp và vụ việc kéo dài hơn 7 năm ròng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, có 70% cổ đông rút vốn, các thành viên công ty phải cầm cố tài sản để duy trì hoạt động, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản.

Lãnh đạo Công ty Thuận Phong cho biết thêm, "tổn thất là rất lớn, rất đau đớn đối với 1 doanh nghiệp trẻ có khát vọng vươn lên, khát vọng đưa đến sản phẩm chất lượng đến với bà con nông dân. Bao nhiêu công sức, tâm huyết và niềm tin đối với doanh nghiệp đã bị mất, mất mát không thể đo đếm được...".

Tin cùng chuyên mục