Trong số 53 ca đã xuất viện có 13 ca đã xuất cảnh hoặc về địa phương, 40 ca xuất viện đang tiếp tục theo dõi tại nhà ở TPHCM. Trong 40 ca này có 3 ca dương tính trở lại, TPHCM đã cho cách ly tại các bệnh viện bệnh lý cấp tính.
"Đến nay là ngày thứ 6 thôi cách ly xã hội, cho thấy công tác phòng chống dịch của TPHCM đạt hiệu quả tốt, trong vòng kiểm soát. TPHCM đang tiến hành các giải pháp để vực dậy nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới", đồng chí Lê Thanh Liêm nói.
Thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM đang triển khai các giải pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, tuy nhiên, do có độ mở kinh tế lớn, nên chừng nào dịch trên thế giới còn phức tạp thì chừng đó kinh tế TPHCM còn bị tác động. Ngoài các bộ chỉ số kiểm soát dịch bệnh an toàn trong doanh nghiệp (DN), TPHCM đã ban hành 7 bộ chỉ số tiêu chí an toàn để kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới ở hầu hết các lĩnh vực.
TPHCM cũng xác định trong điều kiện hiện nay là phải ban hành các gói hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19, kinh phí hỗ trợ phải đến đến tay DN, người dân càng sớm càng tốt, đây là thời điểm vàng để giải cứu DN. Nếu kéo dài đến tháng 5 sẽ có nhiều DN ngừng hoạt động, khi DN rời khỏi thị trường thì chính sách hỗ trợ kinh tế sẽ không còn hiệu quả. Vì vậy, ngoài gói chính sách đặc thù mà TP đang triển khai hỗ trợ DN thì TPHCM đặc biệt quan tâm đến DN, coi đây là cộng đồng đặc biệt để làm đòn bẩy cho kinh tế TPHCM.
Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, hiện nay, TPHCM đang tính điểm, xếp hạng ưu tiên để triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ và TPHCM để hỗ trợ DN, tạo động lực cho họ vượt qua khó khăn. Trong đó có gói hỗ trợ DN duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn, gói hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh... Các gói hỗ trợ này TPHCM sẽ làm kỹ để tránh cào bằng, cũng không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ, thời gian triển khai trước ngày 14-5. TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để các gói hỗ trợ này đến với DN nhanh nhất.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, dù đạt kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch, nhưng TPHCM nhận thấy còn bộ phận người dân lơ là, chủ quan cho rằng nguy cơ lây nhiễm đã biến mất. Do đó, TPHCM xác định đây chỉ là chiến thắng ban đầu, chưa phải là chiến thắng cuối cùng, cần luôn đề cao cảnh giác hơn nữa. |
Về vấn đề chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, trên cơ sở bộ chỉ số an toàn trong trường học do TPHCM ban hành và các hướng dẫn cụ thể, dự kiến TPHCM cho học sinh đi học trở lại theo các mốc sau:
- Ngày 4-5, tập trung học sinh lớp 9, 12 để hướng dẫn bảo đảm an toàn trong trường học;
- Ngày 5-5, học sinh lớp 9, lớp 12 đi học;
- Ngày 11-5, học sinh từ lớp 4 đến lớp 8, học sinh lớp 10, 11 đi học;
- Ngày 12-5, học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 đi học;
- Ngày 18-5, các lớp lá 5 tuổi đi học trở lại;
- Ngày 25-5, các lớp mầm và chồi 3-4 tuổi đi học;
- Ngày 1-6, các lớp trẻ mầm non còn lại đi học, dưới 3 tuổi.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học viên sẽ đi học bình thường từ 11-5.
Ngày 28-4, Ban cán sự đảng UBND TPHCM đã báo cáo Thường trực Thành ủy TPHCM về dự kiến lịch đi học này.
Về vực dậy kinh tế, trong thời kỳ hiện nay, TPHCM xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên, và phải thắng lợi nhiệm vụ này càng sớm càng tốt. TPHCM sẽ dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế từng ngành, lĩnh vực. Trước ngày 12-5, TPHCM thống kê xong về mức độ thiệt hại của nền kinh tế do tác động của dịch, từ đó xây dựng gói hỗ trợ đặc thù mạnh để vực dậy nền kinh tế trong thời gian ngắn nhất. TP quyết tâm không để người dân, DN chờ đợi, TPHCM sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và đạo đức công vụ, tổ chức thực hiện chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, kể cả các gói của TPHCM theo nguyên tắc kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, lập danh sách đến đâu giải quyết đến đó; hạn chế giảm tối đa các cuộc thanh tra kiểm tra DN trừ trường hợp phát hiện vi phạm. Trước ngày 12-5, TPHCM sẽ ban hành cẩm nang kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh để hướng dẫn hỗ trợ DN. Duy trì đối thoại trực tiếp giữa TP với các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho họ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Tổ công tác về đầu tư tiếp tục họp hàng tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN, bãi bỏ các quy định pháp luật không còn phù hợp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... Cùng với đó, điều hành linh hoạt các chính sách để ứng phó kịp thời với các diễn biến bất lợi của dịch bệnh. Phát triển kinh tế số. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích cầu kinh tế. Triển khai mạnh mẽ, sáng tạo cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và phong trào hàng Việt Nam chinh phục người Việt. Bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ 40-4, 1-5.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, TPHCM có quan điểm là nhiệm vụ chống dịch đã đạt kết quả bước đầu nhưng nhiệm vụ phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhưng TPHCM sẽ quyết liệt hơn nữa, không để người dân, DN chờ đợi. TPHCM sẽ nỗ lực hết mình đưa nền kinh tế vượt quá giai đoạn khó khăn, đóng góp vào kết quả chung của cả nước.
Sau khi nghe TPHCM báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao quyết tâm và những giải pháp mà TPHCM đang triển khai. Vai trò, vị trí đầu tàu kinh tế của TPHCM đối với cả nước rất quan trọng, vì thế nếu kinh tế TPHCM tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng đến kinh tế cả nước.