Công tác quản lý giá thuốc - Nhiều “khuyết tật”

Quản lý theo kiểu... được chăng hay chớ
Công tác quản lý giá thuốc - Nhiều “khuyết tật”

Giá thuốc đang tăng lên đột biến, phức tạp và lặp đi lặp lại như từng đợt “sóng” vỗ vào trái tim của hàng triệu người liên quan. Các cơ quan chức năng, dù ráo riết vào cuộc, tăng cường các biện pháp vẫn chưa có những giải pháp kiểm soát căn cơ. Mặc dù Luật Dược đã có từ năm 2005, Thông tư liên tịch quản lý giá thuốc cho người áp dụng từ năm 2007, nhưng xem ra cơ quan quản lý thực sự “đuối” trước diễn biến phức tạp của thị trường này.

Người dân lo lắng xem đơn thuốc khi giá thuốc tăng chóng mặt trong những ngày qua. Ảnh: Đức Thành

Người dân lo lắng xem đơn thuốc khi giá thuốc tăng chóng mặt trong những ngày qua. Ảnh: Đức Thành

Quản lý theo kiểu... được chăng hay chớ

Trước tình hình căng thẳng của việc giá thuốc tăng liên tục, đột biến, ngày 11-11, các đoàn thanh tra giá thuốc của Bộ Y tế cũng như của Sở Y tế TPHCM tiếp tục kiểm tra đột xuất nhiều trung tâm dược phẩm nhà thuốc bán lẻ tại TPHCM và các tỉnh thành.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, trong 2 ngày qua, Thanh tra Sở Y tế đã ghi nhận một số trường hợp có dấu hiệu nâng giá cao hơn mức cho phép, đồng thời đã có trường hợp gian lận trong buôn bán thuốc như thuốc hết hạn sử dụng, không nguồn gốc…

Mặc dù các cơ quan chức năng đang dồn dập vào cuộc, nhưng không thể phủ nhận rằng chỉ khi dư luận kêu than về giá thuốc “cắt cổ”, công tác thanh tra, kiểm tra mới được phát huy, vì trên thực tế hầu hết các thông tin về tăng giá thuốc đều do báo chí phát hiện và cảnh báo các nhà quản lý. Đánh giá sự vào cuộc muộn màng của ngành chức năng, các chuyên gia dược học cho rằng, đó là cách quản lý chạy theo vụ việc chứ không hề có một giải pháp căn cơ nào. Những gì cơ quan quản lý ghi nhận được chỉ là phần nổi của tảng băng.

Trước sự biến động đột biến của giá thuốc, các chuyên gia y tế đã đặt dấu hỏi: công tác dự trữ lưu thông thuốc quốc gia ở đâu mà không can thiệp bình ổn thị trường? Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 110/2005/QĐ-TTg về kế hoạch “Dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân”. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác này không đảm bảo kế hoạch từ năm 2006 đến 2009. Ba công ty được giao tham gia dự trữ thuốc là Công ty Dược phẩm Trung ương I, II, và III đã không mua đủ số lượng để đảm bảo duy trì 100% cơ số thuốc cần dự trữ, dự trữ thuốc thấp hơn hạn mức quy định mà Chính phủ đã phê duyệt.

Chậm sửa đổi văn bản hướng dẫn thi hành

Liên quan đến việc giá thuốc đang leo thang dữ dội, trao đổi với PV Báo SGGP hôm qua, một lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan không tham gia quản lý giá thuốc mà trách nhiệm này thuộc về Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Sự thực là trong 5 năm qua kể từ khi có Luật Dược, Cục Quản lý dược vẫn không thể cầm cương được giá thuốc. Trong báo cáo trước Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược thừa nhận, còn một số bất cập về việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc như: một số mặt hàng có giá trúng thầu cao hơn giá thị trường, một số trường hợp giá bán tại nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá thuốc ngoài thị trường.

Người nghèo luôn bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giá thuốc tăng. Ảnh: Tg.Lâm

Người nghèo luôn bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giá thuốc tăng. Ảnh: Tg.Lâm

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho biết, công tác quản lý nhà nước về giá thuốc còn thiếu tính chủ động, có nhiều hạn chế và chậm sửa đổi văn bản hướng dẫn thi hành khi một số nội dung không còn phù hợp với thực tế, thậm chí không có khả năng hướng dẫn thực hiện. Bộ Y tế chưa thực hiện thường xuyên, kịp thời công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và BHYT chi trả nên thiếu cơ sở để các địa phương tham khảo và tổ chức thực hiện. Theo bà Mai, chưa có cơ chế để cơ quan BHXH kiểm soát giá thuốc, hàng năm quỹ BHYT chi trả tiền thuốc cho các bệnh viện khoảng 5.000 tỷ đồng mà không biết giá thuốc đó đắt hay rẻ và có đúng giá hay không!

Cần có bàn tay Nhà nước

Nhiều ý kiến cho rằng pháp luật cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật nên thuốc cũng phải chịu ảnh hưởng quy luật của thị trường. Hơn nữa, thực tế tiền hoa hồng lại chi cho khâu trung gian như đại lý thuốc, trình dược viên, bác sĩ kê đơn nên càng làm tăng giá thuốc…

Theo bà Trương Thị Mai, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược không quy định mức độ chênh lệch tối đa giữa giá nhập khẩu với giá bán buôn và giá bán lẻ. Do đó, xảy ra tình trạng giá nhập 1 nhưng giá bán cao gấp 2 hay gấp 3 lần, chính vì vậy không thể thực hiện được quy định về nguyên tắc của Luật Dược là “người dân Việt Nam hưởng giá thuốc tương đương với giá thuốc ở những nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đương”.

Ông Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, khẳng định việc quản lý dược phẩm còn nhiều khuyết tật. Ông Truyền nói tại hội nghị mới đây là lâu nay toàn nói quản lý giá thuốc theo kiểu chung chung. Trong khi thị trường thuốc chỉ có 2 loại là thuốc độc quyền và không độc quyền. “Trong khi thuốc không độc quyền (generic) đang được cạnh tranh quyết liệt và các công ty dược trong nước có công nghệ sản xuất tương đương nhau thì không nên quản lý giá. Còn thuốc độc quyền mới cần quản lý nghiêm ngặt bởi giá cao, lại tập trung vào các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, thần kinh…”, ông Truyền nói. Ông Truyền cũng cho rằng những khuyết tật về quản lý giá thuốc không chỉ do cơ chế quản lý mà còn bị chi phối bởi tâm lý chuộng thuốc ngoại, sự thiếu hiểu biết về sử dụng thuốc, hoa hồng kê đơn, các chiến dịch khuyến mãi - quảng cáo… Do đó cần phải có bàn tay Nhà nước. Ông Truyền đề nghị sớm xác định danh mục các thuốc cần kiểm soát giá, chủ yếu là các thuốc đang độc quyền trên thị trường dược phẩm Việt Nam (khoảng 1.000 loại); không áp dụng biện pháp quản lý giá đối với thuốc generic (khoảng 20.000 loại thuốc); xây dựng phương pháp định giá trần đối với các thuốc độc quyền, các biệt dược mới phát minh; cơ quan BHYT cần có vai trò thích đáng trong kiểm soát giá thuốc và đấu thầu thuốc…

Quỳnh Chi

>> “Lên máu” với giá thuốc

Tin cùng chuyên mục