Công tâm, khách quan qua lá phiếu tín nhiệm

Kỳ họp lần thứ 13 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, khai mạc vào sáng nay (6-12) có nội dung quan trọng là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND TPHCM bầu hoặc phê chuẩn.

Đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết tại kỳ họp thứ 12, ngày 11-11-2023. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết tại kỳ họp thứ 12, ngày 11-11-2023. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự kiến, ở lần lấy phiếu tín nhiệm này (cho cả nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND TPHCM khóa X), có khoảng 30 trường hợp lấy phiếu tín nhiệm, gồm: Chủ tịch HĐND, Trưởng các ban của HĐND TPHCM; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND TPHCM.

Việc đánh giá, bỏ phiếu sẽ dựa trên các dữ liệu của người được lấy phiếu, như về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; về tính gương mẫu của người được lấy phiếu như công tác kê khai tài sản, thu nhập và cả ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm… Kết quả đánh giá sẽ rất hữu ích đối với người được lấy phiếu. Nó như tấm gương soi chiếu về kết quả thực hiện nhiệm vụ so với kỳ vọng của cử tri. Từ đó, người được lấy phiếu tín nhiệm nhận thức rõ hơn về kết quả thực hiện công việc, về tư cách, phẩm chất đạo đức của mình trước cử tri, để có điều chỉnh thái độ, ý thức trách nhiệm và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo sự sáng suốt, công tâm qua từng lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm. Công tâm, khách quan sẽ giúp ngăn ngừa được tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác hay gây mất đoàn kết nội bộ và tạo “miễn nhiễm” với việc bị tác động trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm. Đảm bảo các yêu cầu ấy, kết quả lấy phiếu mới có thể trở thành “tấm gương” cho người được lấy phiếu soi thấu những khuyết điểm của mình và tự sửa chữa, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của cử tri.

Lấy phiếu tín nhiệm là một hoạt động cụ thể của HĐND TPHCM trong thực hiện quyền giám sát. Mỗi lá phiếu thể hiện trách nhiệm của đại biểu đối với người được lấy phiếu và chứa đựng niềm tin mà cử tri trao gửi cho đại biểu. Kết quả đánh giá còn là cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được tín nhiệm.

Đối diện với nhiều khó khăn kéo dài từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, đến nay TPHCM đã dự báo có không ít chỉ tiêu (về kinh tế, nhà ở, môi trường, xử lý rác thải, cải cách hành chính) sẽ khó hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ. Riêng năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn kế hoạch. Khách quan, khó khăn chung đã thấy rõ. Song, về chủ quan, lãnh đạo TPHCM đã nhận diện rất cụ thể. Đó là: chất lượng công vụ chưa như mong muốn; sự phối hợp giữa các sở ngành, địa phương giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp còn trở ngại; vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ hạn chế, thiếu bản lĩnh, chưa dám làm, chưa dám chịu trách nhiệm…

Dự báo, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định; kinh tế toàn cầu chưa có nhiều lạc quan… Đây là những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, sẽ tác động tiêu cực đến nước ta, trong đó có TPHCM. Những hạn chế, bất cập bên trong như về chất lượng công vụ, cải cách hành chính hay tình trạng đùn đẩy, né tránh… lại trong khả năng có thể giải quyết được, thông qua việc đánh giá cán bộ một cách chuẩn xác - mà lấy phiếu tín nhiệm là một cách làm cụ thể. Cách đánh giá được “lượng hóa” này ngăn được tình trạng “tô hồng” khi tự thúc đẩy mạnh mẽ việc khắc phục những tồn tại, hạn chế chủ quan nêu trên; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.

Tin cùng chuyên mục