Công ty cà phê Phước An - Đắk Lắk bán hồ đập sai pháp luật

Ngày 30-10, Báo SGGP đăng bài viết “Bán hồ thủy lợi, cà phê chết khát” phản ánh tình trạng cà phê của hàng trăm hộ dân xã Ea Yông (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) thiếu nước tưới do Công ty TNHH Cà phê Phước An (Công ty Cà phê Phước An) bán hồ đập thủy lợi cho tư nhân nuôi cá. Sau khi tìm hiểu thêm, chúng tôi phát hiện công ty này đã cố tình bán hồ đập trái luật.
Công ty cà phê Phước An - Đắk Lắk bán hồ đập sai pháp luật

Ngày 30-10, Báo SGGP đăng bài viết “Bán hồ thủy lợi, cà phê chết khát” phản ánh tình trạng cà phê của hàng trăm hộ dân xã Ea Yông (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) thiếu nước tưới do Công ty TNHH Cà phê Phước An (Công ty Cà phê Phước An) bán hồ đập thủy lợi cho tư nhân nuôi cá. Sau khi tìm hiểu thêm, chúng tôi phát hiện công ty này đã cố tình bán hồ đập trái luật.

  • Mập mờ... chuyện thanh lý tài sản

Vào năm 2004, Công ty Cà phê Phước An gặp khó khăn về tài chính do cà phê rớt giá. Vì thế, công ty đã xin đơn vị chủ quản là UBND tỉnh Đắk Lắk bán một số tài sản để trả nợ ngân hàng. Vì thế, ngày 5-6-2006, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định số 1819 đồng ý cho Công ty Cà phê Phước An chuyển nhượng giá trị hơn 290ha cà phê tại khu vực xã Ea Yông cho người dân canh tác để lấy tiền trả nợ ngân hàng.

Trước đó, ngày 19-5-2005, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có công văn số 1477 nêu rõ: Đối với tài sản, máy móc thiết bị hư hỏng, không có nhu cầu sử dụng, giám đốc doanh nghiệp chủ động xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành để thu hồi vốn.

Một trong những hồ đập bị Công ty Cà phê Phước An bán cho tư nhân nuôi cá.

Một trong những hồ đập bị Công ty Cà phê Phước An bán cho tư nhân nuôi cá.

Ông Hồ Sỹ Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Phước An, cho biết: “Căn cứ vào 2 công văn trên, sau khi công ty sang nhượng xong 290ha cà phê cho dân thì chúng tôi cũng sang nhượng các hồ đập thủy lợi cho tư nhân nuôi cá, vì xét thấy chúng không còn giá trị sử dụng nữa”.

Theo ông Trung, các hồ đập thủy lợi là tài sản của công ty, không còn nhu cầu sử dụng nên công ty vận dụng công văn số 1477 của UBND tỉnh để sang nhượng cho người dân. Ông Trung khẳng định công ty chỉ bán giá trị tài sản trên đất là giá trị đầu tư xây dựng hồ đập và chi phí tu sửa để hồ đập tồn tại đến khi sang nhượng chứ không hề bán đất.

Nhưng trên thực tế, Công ty Cà phê Phước An đã “lập lờ đánh lận con đen”, những hồ đập thủy lợi này vẫn đang sử dụng để tưới cà phê cho dân, trong khi đó, 8 hợp đồng sang nhượng hồ thủy lợi của công ty đều có điều khoản nói rằng sẽ “Lập thủ tục chuyển hồ đập cho địa phương để làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hồ đập cho cá nhân…”. Như vậy, Công ty Cà phê Phước An đã cam kết với các cá nhân sẽ làm sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng hồ đập thủy lợi cho họ và biến hồ đập thủy lợi thành hồ nuôi cá của tư nhân.

Ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão Đắk Lắk, khẳng định: “Việc Công ty Cà phê Phước An cho rằng hồ đập thủy lợi là tài sản của công ty, không còn nhu cầu sử dụng nên đem bán là sai. Bởi trong thực tế, các hồ đập này vẫn đang được sử dụng vào mục đích chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh”. Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cũng cho rằng: “Việc sang nhượng hồ đập thủy lợi của Công ty Cà phê Phước An là trái với quy định của pháp luật về đất đai cũng như Luật Tài nguyên nước”.

  • Phải có phiên tòa hủy hợp đồng

Việc Công ty Cà phê Phước An bán hồ đập thủy lợi đã gây nhiều khó khăn trong việc cung cấp nước tưới cà phê vào mùa khô của hàng trăm hộ dân xã Ea Yông. Vì thế, huyện và xã cũng đã bắt đầu vào cuộc để “giải cứu” cho người dân.

Ông Trần Hữu Thái, Trưởng phòng TN-MT huyện Krông Pắk, cho biết: “Sau khi nhận được thông tin các chủ hồ đập thủy lợi ngăn cản người dân bơm nước tưới nước cà phê, chúng tôi đã triệu tập các chủ hồ về xã Ea Yông họp và họ đã thống nhất không thu phí nước tưới của người dân. Chúng tôi cũng yêu cầu chủ hồ giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm chuyển đổi mục đích sử dụng hồ, để phục vụ tưới cà phê cho người dân. Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện kiến nghị tỉnh trả hồ thủy lợi về cho địa phương quản lý sẽ hiệu quả hơn”.

Thế nhưng, việc địa phương muốn lấy lại hồ thủy lợi cũng đang gặp phiền hà, vì hầu hết chúng đã được Công ty Cà phê Phước An bán cho tư nhân. Theo luật sư Tạ Quang Tòng, xã muốn lấy lại những hồ thủy lợi này thì cần phải có một phiên tòa tuyên hủy những hợp đồng giữa công ty và chủ hồ. Sự việc Công ty Cà phê Phước An bán 8 hồ đập thủy lợi cho tư nhân là chưa có tiền lệ, tức chưa bao giờ có việc một doanh nghiệp nhà nước đứng ra bán công trình thủy lợi nào cả. Cho nên pháp luật vẫn chưa có cơ chế để giải quyết các vấn đề này.

Tuy nhiên, ở đây, hợp đồng sang nhượng hồ đập thủy lợi chỉ được ký giữa Giám đốc Công ty Cà phê Phước An Trần Minh Thụy với người mua là hợp đồng không có giá trị về mặt hình thức vì không được công chứng. Khi một hợp đồng không có giá trị về mặt hình thức thì đương nhiên sẽ bị tòa tuyên vô hiệu. Khi đó, chính quyền địa phương có văn bản đề nghị UBND tỉnh can thiệp bằng cách chuyển giao hồ đó về cho địa phương quản lý.

Cũng theo luật sư Tạ Quang Tòng, người nông dân cần đề nghị đơn vị đại diện của mình (Hội Nông dân - PV) đứng ra khởi kiện để tòa tuyên vô hiệu các hợp đồng sang nhượng này. Trên cơ sở đó, đề nghị chính quyền giao công trình lại cho nông dân quản lý theo một mô hình nào đó do xã xây dựng. 

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục