
Công ty Mua bán nợ (VAMC) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị thành lập từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII với mục tiêu hỗ trợ xử lý các khoản nợ xấu hiện đang có trong hệ thống ngân hàng (NH) và sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7-2013. Việc cho ra đời VAMC được đánh giá là giải pháp tốt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp vay vốn sản xuất tại một ngân hàng. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
Phù hợp thực tế
Tôi cho rằng, trong nỗ lực làm sạch nợ xấu thì việc thành lập VAMC là một giải pháp tốt giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) xử lý nợ nhanh hơn, sớm hơn; nợ xấu sẽ chuyển từ khối NH sang VAMC để tạo điều kiện cho vốn chảy ra, đến được với doanh nghiệp (DN).
Có thể nói, đây chưa phải là phương án hoàn toàn tốt 100%, nhưng trong điều kiện hiện nay là phương án phù hợp nhất. Có ý kiến cho rằng, số vốn 500 tỷ đồng mà VAMC được cấp chỉ “như muối bỏ bể” so với nợ xấu tồn đọng trong thị trường bất động sản (BĐS), nhưng theo tôi không thể cầu toàn, phải căn cứ vào nguồn lực mà chúng ta có thể thu xếp được. VAMC cũng không mua lại tất cả các khoản nợ xấu mà sẽ chọn lọc ra để xử lý. Nguồn lực hữu hạn thì phải tính chuyện dùng thế nào cho hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, cũng không nên quá “dị ứng” với cái gọi là “nợ xấu” trong BĐS. Theo tôi biết, nợ xấu nằm trong BĐS chỉ ở trong khoảng 7% - 8% tổng nợ xấu, tức là không phải quá nhiều so với tổng nợ xấu.
Kết hợp nhiều giải pháp
Cần nói rõ, không nên kỳ vọng quá lớn vào VAMC mà phải có nhiều giải pháp đồng bộ khác, cộng với nỗ lực từ các ngành, các cấp. Từ ngày 1-6, gói hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp mua nhà 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 của Chính phủ đã chính thức được triển khai, đấy cũng là giải pháp tạo cú hích cho thị trường BĐS; tạo hiệu ứng lan tỏa, sưởi ấm nhiều lĩnh vực khác nữa.
Theo quy định, VAMC sẽ mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo 2 phương án, trong đó có phương án mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty này phát hành. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VNĐ, thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất 0%; có thể sử dụng để vay tái cấp vốn từ NHNN.
Tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt phải trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt vào chi phí hoạt động theo tỷ lệ không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi được mua lại từ VAMC. Như thế, có thể thấy việc này phải do NHNN chủ trì, bơm tiền ra hút tiền vào như thế nào là do NHNN quyết định cụ thể trên cơ sở Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng; do đó sẽ đảm bảo an toàn tài chính.
Ngân hàng có nợ xấu phải chịu trách nhiệm chính
Theo quy định của Nghị định 53, trái phiếu của VAMC có thời hạn 5 năm, mỗi năm NH bán nợ phải trích lập 20% cho trái phiếu. Sau 5 năm, khi hết hạn hoặc đã trích lập dự phòng đủ số nợ xấu và nếu nợ xấu chưa được VAMC xử lý (không bán được) thì tổ chức tín dụng phải mua lại nợ xấu từ VAMC bằng chính trái phiếu mà VAMC phát hành. VAMC chỉ đóng vai trò là một cơ chế hỗ trợ các NHTM trong việc giãn thời gian trích lập dự phòng nợ xấu và làm “sạch” bảng cân đối kế toán, rủi ro của các khoản nợ xấu và trách nhiệm trích lập dự phòng vẫn thuộc về NH.
Cũng nhờ đó, những NH mất khả năng thanh khoản trầm trọng do nợ xấu cao sẽ nhận được nguồn tiền để tiếp tục tồn tại. Mỗi năm họ chỉ phải trích lập dự phòng 20% nợ xấu trong vòng 5 năm thay vì phải trích lập dự phòng ngay lập tức. Khi vấn đề nợ xấu được xử lý xong thì thanh khoản của NH được nâng lên, tiền bơm ra được và DN có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Thạc sĩ NGUYỄN THỊ NGUYỆT HƯỜNG
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group), Chủ tịch Hội đồng sáng lập Maritime Bank.
| |