Các hãng phim quốc doanh thời cơ chế thị trường

Bài 1: Con đường nào để tồn tại

Bài 1: Con đường nào để tồn tại

Bài 1: Con đường nào để tồn tại ảnh 1

Phim “Người học trò đất Gia Định xưa” (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), bộ phim kinh phí 1tỷ 2 để kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, nhưng đành bỏ kho vì không có đầu ra.

Đã có một thời các hãng phim chỉ cần “xuất xưởng” phim mới là phát hành sẽ mua phim chiếu rộng khắp mạng lưới rạp trong nước. Sau đó, phim được mang đi phục vụ lưu động cho bà con vùng sâu, vùng xa. Một vòng quay khá êm đềm. Giờ đây, đối mặt với nền kinh tế thị trường, liệu các hãng phim quốc doanh sẽ tìm con đường nào để tồn tại? 

  • Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu: Hãng phim nhưng không có phim làm! 

Nằm ở 237R Võ Thị Sáu, quận 3, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu thành lập từ năm 1997 trên cơ sở sáp nhập giữa Xí nghiệp Phim thành phố và Xưởng phim Thời sự-Tài liệu, trực thuộc Sở VH-TT TPHCM quản lý. Với hoạt động kiểu doanh nghiệp - lợi ích, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu đã đứng vào thế “hai chân”. Một mặt, theo tỉ lệ 7/10, hãng độc lập tự trang trải thu chi như một doanh nghiệp; mặt khác, theo tỉ lệ 3/10, hãng thực hiện “52 chương trình văn hóa thành phố” phục vụ nhiệm vụ chính trị của Sở VH-TT và chương trình phát sóng hằng tuần trên HTV9. Kinh phí này được Sở cấp mỗi năm khoảng 1,8 tỉ đồng.

Đội ngũ 65 người từ đạo diễn, quay phim, biên kịch, thu thanh, ánh sáng… bình quân mỗi người thu nhập khoảng từ 800.000-1.000.000 đồng/tháng. Chỉ ê kíp làm phim Chương trình văn hóa hoặc làm phim tài liệu đặt hàng từ các cơ quan, đơn vị là thu nhập “nhỉnh” hơn.

Dịch vụ mở rộng này bắt đầu từ thời giám đốc Lê Văn Duy, đến thời giám đốc Lê Dũng, hãng vẫn được coi là đơn vị “có duyên” với phim tài liệu đặt hàng. Hiện nay, hãng cũng đang thực hiện một số phim như Thành Đoàn bản hùng ca (phim truyện nhiều tập); Tiểu đoàn I Long An anh hùng (tài liệu 3 tập); Quận 4 xưa và nay (tài liệu); hai phim tài liệu về Bình Dương…

Nhưng chuyện làm phim đặt hàng phần lớn chỉ nhờ vào “duyên may”, không hề có kế hoạch, liệu đội ngũ làm phim có đủ sức trụ được cùng hãng Nguyễn Đình Chiểu? Với vai trò, nhiệm vụ vinh dự được coi là chủ lực của điện ảnh TPHCM nhưng thực chất hoạt động của hãng lại quá “èo uột”, như một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng. Phân tích thực trạng này, những người trong cuộc cũng nhận thấy điểm yếu trong hoạt động làm phim của hãng bắt đầu từ khâu duyệt kịch bản. Hãng không thiếu kịch bản nhưng để một kịch bản được duyệt phải qua quá nhiều cấp và thiếu tính chuyên nghiệp điện ảnh. Phòng Biên tập đọc kịch bản, đề xuất qua giám đốc hãng phim; giám đốc hãng gửi lên Phòng Quản lý nghệ thuật của Sở Văn hóa Thông tin TPHCM; phó giám đốc sở phụ trách nghệ thuật xem xét; giám đốc sở duyệt; từ giám đốc sở tiếp tục đề xuất lên phó chủ tịch UBNDTP phụ trách văn-xã… Cuối cùng, nếu một kịch bản được duyệt suôn sẻ phải mất hơn 3 tháng. Tuy nhiên, chưa hết, quá trình chờ lên kế hoạch xin kinh phí sản xuất, giờ chót vẫn có thể bị gác với một chuỗi lý do như: “kịch bản chưa hay”, “thiếu kinh phí”…

Mang tiếng là nơi sản xuất phim mà không có phim để làm quả là nỗi buồn của những người mê nghề. Và, đó cũng là chuyện thường ngày ở hãng…

Cũng theo nhận xét của một nhà biên kịch thì sự tồn tại của hãng chỉ trông chờ vào kinh phí 1,8 tỉ dành cho Chương trình văn hóa. Không biết thời gian này sẽ kéo dài bao lâu, nếu như Chương trình văn hóa không được duyệt tiếp? Trong khi đó, đội ngũ trẻ kế thừa không có cơ hội bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, còn đổi mới trang thiết bị vẫn là chuyện hiếm hoi. Thiết bị được xếp loại tốt ở hãng hiện chỉ còn máy quay phim Bétacam mới được Nhật tài trợ. Đây cũng là “nồi cơm” của hãng, anh em làm phim hết sức “dè sẻn”, chỉ dám sử dụng khi làm phim gia công cho các đơn vị, thu lại lợi ích cho hãng. 

  • Hãng phim Giải Phóng - Dẫu có ăn nên làm ra nhưng... 

Hãng phim Giải Phóng là một hãng phim lớn trực thuộc Bộ Văn hóa Thông tin. Thời bao cấp, phim của hãng làm ra bao nhiêu được bao tiêu bấy nhiêu. Có nghĩa là kinh phí làm phim do nhà nước cấp, phim sản xuất ra đã có Fafilm là đơn vị chịu trách nhiệm mua. Giá của một bộ phim bằng tổng dự toán cộng với 10% lãi. Có thể nói phim làm ra bao giờ cũng có lời. Qua thời kinh tế thị trường, nhà nước tài trợ 70% kinh phí sản xuất phim và hãng có nhiệm vụ tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Hai hướng tiêu thụ chính trong thời gian này là bán cho Fafilm và tự phát hành. Những năm 1991-1995, công tác phát hành khá hiệu quả, khán giả đến rạp đông. Phim không chỉ phát hành ở thành phố mà còn ở các tỉnh, hệ thống rạp phát huy hiệu quả tốt. Từ năm 1996 đến 2000, hệ thống rạp gần như tê liệt, phim làm ra chỉ chờ Fafilm mua là chính. Nhưng Fafilm chỉ mua những phim được nhà nước tài trợ. Giá bán phim trung bình chỉ còn ¼ số tiền nhà nước tài trợ cho sản xuất phim.

Trong điều kiện khó khăn, Hãng phim Giải Phóng đã nghĩ tới việc đưa phim ra nước ngoài. Một số bộ phim đã bán được ra các nước như: Con thú tật nguyền, Ai xuôi vạn lý, Lời thề, Lưỡi dao, Chung cư, Hải nguyệt… Tuy nhiên có phim bán huề vốn, có phim chỉ bán được ¼ giá thành bỏ ra làm phim. Nắm bắt nhu cầu của các nước về phim Việt Nam, hãng bắt đầu tìm những kịch bản phù hợp gửi đi chào hàng. Những bộ phim như Chiếc chìa khóa vàng, Mê Thảo được đặt hàng ngay từ khi còn trên kịch bản và một vài nước cũng nhận sẽ phát hành… 

  • Bươn chải tìm nguồn thu… 

Hãng phim Giải Phóng với hơn một chục đạo diễn. Một năm thực hiện từ 2-3 phim (kể cả gối đầu). Như vậy, để 1 đạo diễn có thể làm phim phải mất đến vài năm. Dưới thời của giám đốc N.Q, không ít đạo diễn đã phải “ngồi chơi xơi nước” cả chục năm trời. Trong thời gian này, hãng phim bị khuynh đảo bởi một nhóm năm ba người từ kịch bản, đạo diễn đến quay phim. Có những đạo diễn giỏi của hãng nhưng nhiều năm không hề được giao phim.

Bài 1: Con đường nào để tồn tại ảnh 2

Phim “U14-Đội bóng trong mơ” (Hãng phim Giải Phóng), một phim thiếu nhi hiếm hoi, nhưng hoàn toàn thất thu về doanh số.

Trong giai đoạn khó khăn, Hãng phim Giải Phóng tìm ra một hướng đi mới, đó là làm dịch vụ cho phim nước ngoài. Một loạt những bộ phim như Người tình, Ba mùa, Người Mỹ trầm lặng… đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Ý tưởng hợp tác làm phim với nước ngoài chỉ xuất hiện trong vài năm gần đây. Nhưng Hãng phim Giải Phóng cũng chỉ dám bắt tay với những hãng nhỏ và vốn làm phim cũng chỉ có thể góp 1/10 như các bộ phim Mùa len trâu, Thời xa vắng. Tuy nhiên, hướng đi này cũng chỉ là giải pháp tình thế…

Một nguồn thu khác nữa của Hãng phim Giải Phóng là cho thuê mặt bằng, rạp, trang thiết bị máy móc. Đây là hãng phim đầu tiên và duy nhất có rạp chiếu bóng nhưng lại chỉ biết cho tư nhân thuê đứt. Chỉ riêng việc cho thuê rạp chiếu bóng cũng có không ít dư luận xôn xao. Giá thuê ban đầu được hãng đưa ra là 27 triệu đồng/tháng, phía đối tác đề nghị 25 triệu đồng/tháng, tuy nhiên khi ký kết hợp đồng không hiểu vì lý do gì mà giá thành chỉ còn 22 triệu đồng/tháng. Chưa hết, trong tình hình hiện nay, một hãng sản xuất phim không thể không có rạp, thế nhưng giờ đây chính Hãng phim Giải Phóng mỗi lần mượn rạp để ra mắt phim của mình cũng gặp không ít trục trặc, khó khăn. Việc phát hành bộ phim Mê Thảo cũng là một nỗi đau của hãng vì chính rạp Cinebox (của hãng đã cho thuê) cũng đẩy phim ra trước hạn chiếu.

Phim trường của hãng cũng là vấn đề mà nhân viên trong hãng bàn tán. Giá thuê không hiểu sao lại rất thấp so với mặt bằng chung, chỉ 1 triệu đồng/ngày trong khi trung bình ở các nơi khác là từ 3-5 triệu đồng.

Với những người làm nghề, máy móc vô cùng quan trọng. Hãng phim Giải Phóng là đơn vị duy nhất vừa được trang bị một máy quay hiện đại AR4 trị giá 300 ngàn USD. Để tiết kiệm chi phí, những lúc không sử dụng, máy được đem cho thuê với giá chỉ 3 triệu đồng/ngày. Vấn đề ở chỗ những người thuê máy không hề phải thế chấp một đồng nào mà vẫn có thể ôm một cái máy hơn 5 tỷ đồng đi. Tất nhiên hãng có cho người theo giám sát, nhưng nhiều người vẫn lo lắng nếu chẳng may máy hư thì sao? Nhất là những phim quảng cáo cần quay với tốc độ nhanh sẽ làm chất lượng máy hao mòn rất nhanh. Không chỉ có máy quay này mà hãng còn cho thuê nhiều loại máy móc khác và mỗi loại có giá khác nhau. Ai đó đã bình phẩm, để có những giá như vậy, người ký kết cũng đã hưởng một khoản huê hồng không nhỏ.
 

NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục