COP21 thông qua thỏa thuận lịch sử

Ngày 13-12, tờ Washington Post đưa tin các đại biểu từ 196 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.
COP21 thông qua thỏa thuận lịch sử

Ngày 13-12, tờ Washington Post đưa tin các đại biểu từ 196 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.

COP21 thông qua thỏa thuận lịch sử ảnh 1

Các đại biểu dự COP21 vui mừng với thỏa thuận lịch sử đuợc thông qua

Thỏa thuận đã được thông qua sau 13 ngày đàm phán căng thẳng. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “Ngày này sẽ đi vào lịch sử. Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu là biểu tượng của thành công vĩ đại cho hành tinh và nhân loại”.

Trước đó, Pháp đã đệ trình lên hội nghị COP21 bản thỏa thuận nhằm hạn chế hoạt động phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đe dọa bầu khí quyển của Trái Đất. Một số điểm nổi bật trong thỏa thuận bao gồm việc giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức 2 độ C (cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C) và dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Pháp khẳng định đây là một thỏa thuận công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lý.

Cao Văn

Ngày 13-12, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Đây là bước mở đầu cho một giai đoạn mới về ứng phó với biến đổi khí hậu và là một bước tiến hết sức quan trọng trong nỗ lực chung nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ 21…”.

Theo ông Lê Hải Bình, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, chủ động đưa ra các cam kết trong lĩnh vực này, đồng thời tham gia tích cực và thực chất vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận Paris, cùng với các nước nỗ lực vì mục tiêu chung đồng thời bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

BẢO MINH

_____________________________________

Những điểm chính của thỏa thuận khí hậu Paris


Mục tiêu 2 độ C

Thế giới sẽ hạn chế sự ấm lên toàn cầu vào năm 2100 không tăng quá 2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Một mục tiêu tham vọng là 1,5 độ C cũng được xem xét, nhưng quyết định mục tiêu này được để lại cho tương lai. Trước COP21, các cam kết khí hậu của các quốc gia chỉ đặt mục tiêu này giữa 2,7 độ C và 3,5 độ C, nghĩa là thế giới cần phải thực hiện nhiều hành động hơn nữa với mục tiêu 2 độ C.

Lộ trình thực hiện

Theo Hiệp định Paris, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), cơ quan khoa học khí hậu và nghiên cứu của Liên hiệp quốc, sẽ phát hành một báo cáo đặc biệt vào năm 2018, quy định chi tiết các bước cần thiết để đạt được các mục tiêu 2 độ C và 1,5 độ C. Hiệp định Paris cũng yêu cầu các nước gửi lại cam kết thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020, phản ánh những kết luận của báo cáo IPCC và những phát triển mới của công nghệ. Bắt đầu từ năm 2020, mục tiêu của mỗi quốc gia sẽ được đánh giá lại mỗi 5 năm để đưa thế giới đến gần hơn với mục tiêu 2 độ C.

Cam kết tài chính

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài đã gây vấn đề với các nước trong cam kết tài chính. Vào năm 2009, các nước phát triển hứa từ năm 2020 sẽ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển hạn chế phát thải khí nhà kính và thích ứng những tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt, sóng nhiệt và nước biển dâng. Các nước phát triển vẫn chưa thỏa thuận mức cung cấp tài chính sau năm 2020 nhưng đã đồng ý xem 100 tỷ USD là mức sàn cho những năm tiếp theo, nhiều mục tiêu cụ thể sẽ được quyết định trong tương lai.

Phát triển năng lượng tái tạo

Hiệp định Paris đem lại sự thúc đẩy gián tiếp mạnh mẽ cho sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Các chuyên gia cho biết, những mục tiêu giảm nhiệt độ về lâu dài cùng những cam kết khí hậu của mỗi quốc gia, thường bao gồm các mục tiêu năng lượng sạch, sẽ tác động gián tiếp như những ưu đãi cho việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục