Cột mốc sống chủ quyền trên biển

Cột mốc sống chủ quyền trên biển

Gần nửa tháng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng là “ao nhà” thường xuyên đánh bắt hải sản của ngư dân miền Trung. Dẫu hiểm nguy chực chờ, đe dọa từ các tàu có trang bị vũ khí của Trung Quốc nhưng ngư dân vẫn không rời bỏ ngư trường, thậm chí còn quyết tâm hơn vừa để mưu sinh, vừa khẳng định chủ quyền đất nước.

        Quyết tâm bám biển

Xã biển Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) những ngày này, mỗi khi có tàu từ biển trở về, ai cũng chạy đến thăm hỏi, hơn lúc nào hết, tình làng nghĩa xóm lúc này được thể hiện cao nhất. Nào là “thấy cái giàn khoan của Trung Quốc không?” hay “có bị tàu Trung Quốc đâm không? Có thiệt hại hay cần giúp đỡ gì không”? Vì vậy khi biết ông Nguyễn Văn Đinh - chủ chiếc tàu công suất 240CV đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, trên đường về còn bị tàu họ kìm kẹp, phải đi lòng vòng vì cái giàn khoan Hải Dương-981 án ngữ thì ai cũng ấm ức. Thấy thế, ông Đinh liền mở khoang tàu, hô lớn “10 tấn cá chuồn cồ” rồi chậm rãi bảo: “Đây, cá của Hoàng Sa mình đây”.

Ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị ngư lưới cụ sẵn sàng ra đánh bắt ở khu vực vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị ngư lưới cụ sẵn sàng ra đánh bắt ở khu vực vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Rất bất bình trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, thế nhưng, phía Trung Quốc càng gây hấn chừng nào, ngư dân miền Trung lại kiên cường bám biển bấy nhiêu.

Có mặt tại cảng cá Hòn Rớ tỉnh Khánh Hòa để bán cá và mua nguyên liệu, ông Bùi Minh Toàn, có hơn 20 năm trong nghề biển, cho biết: Chuyện đụng độ với các tàu Trung Quốc thì gặp nhiều, nhưng những ngày qua hành động của họ ngang ngược hơn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như hoạt động khai thác hải sản của ngư dân tại các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền Việt Nam. Dù vậy, tất cả ngư dân khẳng định, họ tiếp tục vươn khơi bám biển, và từng đoàn tàu cá nối đuôi nhau ung dung hướng đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

“Nếu sợ trước những hành động gây hấn của Trung Quốc mà không bám biển là họ được đà làm tới. Bản lĩnh của ngư dân Việt Nam đã được khẳng định, tôi luyện từ xưa đến nay, vì vậy những hành động trên biển của phía Trung Quốc chẳng làm cho ngư dân miền Trung sờn chí”, ông Toàn khẳng định như đinh đóng cột.

Ngư dân Nguyễn Tấn Hải (50 tuổi, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lao động trên tàu cá ĐNa 91067 trở về từ vùng biển Hoàng Sa, thẳng thắn nói: “Từ bao đời nay, ngư dân tui vẫn khai thác nguồn thủy sản ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống của mình và sẽ tiếp tục như vậy”.

Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), không khí chuẩn bị lương thực, thực phẩm và ngư lưới cụ của tàu thuyền hết sức khẩn trương. Ngay sau khi “nạp” đầy nhu yếu phẩm cần thiết, các tàu nổ máy chạy hết tốc lực, theo hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Ngư dân Lê Văn Lễ, chủ tàu cá Đna 90352, cho biết: “Mặc cho Trung Quốc hung hăng, ngăn cản, chúng tôi vẫn quyết tâm ra khơi để khai thác, đồng thời góp thêm sức mạnh với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.

Tại cảng cá Cửa Việt (Quảng Trị), ngư dân Bùi Đình Tú, thuyền viên tàu QT-91119 vừa trở về sau chuyến ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, bức xúc: “Không chỉ rượt đuổi, phía Trung Quốc còn cắt 17 tấm lưới (trị giá 120 triệu đồng) của tàu chúng tôi, nhưng không vì thế mà chúng tôi sợ hãi, nản chí. Bọn chúng phá lưới thì chúng tôi đan lại, tiếp tục thả lưới”.

        Đồng lòng vươn khơi

Tối 13-5 làng biển Sa Động (Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình) làm lễ cầu mùa cho vụ cá Nam mới. Cả làng từ nam phụ lão ấu đến đình làng làm lễ. Chủ tế, cụ Trương Phương Xa khấn đọc: “Con cháu làng biển hôm nay mở hội cầu mùa. Biển Đông đang đứng trước khổ nạn Trung Quốc xâm phạm bờ cõi. Làng kính cẩn tiên hiền phù hộ ngư dân bám biển Hoàng Sa kiên cường”. Sau lễ cầu mùa, hàng trăm ngư dân đã thả đèn hoa đăng trên sông Nhật Lệ, tiễn những chiếc tàu xa bờ đi đánh bắt cá vùng biển Hoàng Sa.

Có mặt tại cầu cảng âu thuyền Thọ Quang trong ngày 14-5, bà Lê Thị Nhu Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, chủ của 2 tàu cá Đna 90508 và Đna 90152) động viên các thuyền viên trước khi ra khơi đánh bắt. Bà Hoa nói: “Trong chuyến biển lần này, tôi biết các anh em thuyền viên sẽ gặp nhiều hiểm nguy khi phải đối mặt với những tàu Trung Quốc hung hăng cản trở việc đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Tôi căn dặn thuyền trưởng và các thuyền viên phải hết sức bình tĩnh, tuân theo sự hướng dẫn của lực lượng kiểm ngư, biên phòng để vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa tăng số lượng và chất lượng hải sản đánh bắt mang lại thu nhập cho gia đình”.

Nhằm giảm bớt thiệt hại khi gặp tàu Trung Quốc thực hiện âm mưu cản trở công việc đánh bắt của ngư dân Việt Nam ở ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa, cán bộ chiến sĩ biên phòng các tỉnh miền Trung những ngày qua đã liên tục nhắc nhở, hướng dẫn cho các tàu của ngư dân địa phương nên đi theo từng nhóm, thường xuyên giữ liên lạc, để có gì bất trắc kịp thời hỗ trợ nhau. Đồng thời, yêu cầu các ngư dân khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên biển cần phải thông báo về đất liền để có hướng xử lý.

Ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình, khẳng định: “Bà con ngư dân rất kiên cường, không sợ hiểm nguy. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển nước ta trái phép, ngư dân rất phẫn nộ và bà con quyết tâm ra khơi để bám biển, giữ biển”.

Sáng 14-5, tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), tàu hậu cần và đánh bắt xa bờ ĐNa 90611 của ngư dân Trần Toàn (SN 1959, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã hạ thủy thành công và thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa vừa đánh bắt hải sản, vừa làm dịch vụ hậu cần đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tàu có công suất 850CV, dài 24m, rộng 5,4m; gồm 18 khoang, tốc độ 14 hải lý/giờ; có sức chở lên đến 70 tấn hàng hóa. Tổng kinh phí đóng tàu khoảng 3,2 tỷ đồng.

Theo Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, để ngư dân yên tâm bám biển, giữ vững ngư trường, TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ từ 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng cho ngư dân đóng mới các tàu có công suất từ 400CV trở lên.

NGUYỄN HÙNG

NHÓM PV

Yêu cầu báo cáo kịp thời tình hình ngư dân trên biển

(SGGP).- Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển yêu cầu các địa phương cần cập nhật thông tin và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân về diễn biến tình hình trên các vùng biển; hoạt động hỗ trợ tích cực của lực lượng kiểm ngư và các lực lượng chức năng của ta trên biển; các quy định của luật pháp, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh rủi ro trên biển và động viên ngư dân yên tâm sản xuất trên biển bình thường.

Đối với các tỉnh có ngư dân khai thác tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và giữa biển Đông, sở NN-PTNT các tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức cho ngư dân hoạt động theo mô hình tổ đội khi khai thác trên biển. Động viên, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đặc biệt là những ngư dân hoạt động trên ngư trường thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa; phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ ngư dân, thăm hỏi động viên kịp thời đối với ngư dân và gia đình ngư dân gặp rủi ro trên biển.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố ven biển nắm chắc số điện thoại, tần số liên lạc của các tàu cá hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và giữa biển Đông để chủ động liên hệ với các ngư dân khi cần thiết, thông báo cho ngư dân số điện thoại đường dây nóng trực 24/24 thuộc Cục Kiểm ngư: 04.62737323.

VĂN PHÚC

Trả hơn 200 triệu đồng cho người Trung Quốc đánh rơi

(SGGP).- Ngày 14-5, lãnh đạo huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, anh Đào Hữu Ý (30 tuổi, trú tại thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh) vừa nhặt được một túi tiền lớn trị giá hơn 200 triệu đồng đã tìm trả lại cho người đánh rơi.

Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 11-5, anh Ý và nhóm bạn vào uống cà phê tại quán Phú Sơn (ở thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh), khi đi ra thì phát hiện một túi xách màu nâu đánh rơi trước cổng quán. Lúc này, anh Ý đã nhặt lên rồi mở ra kiểm tra thì thấy bên trong túi có một cục tiền được gói cẩn thận. Qua kiểm đếm, cục tiền gồm 100 triệu đồng và 50.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng).

Sau khi phát hiện túi tiền lớn, anh Ý vào quán ngồi chờ người đánh rơi quay lại để trả nhưng không thấy. Hỏi nhân viên được biết trước đó có một thanh niên đi ô tô màu đen vừa ghé quán. Anh Ý liền lấy xe máy chạy dọc đường suốt hơn 2 giờ tìm theo chiếc ô tô như mô tả nhưng không thấy. Sau đó, anh Ý quay lại quán cà phê ngồi chờ đến tối thì thấy chiếc ô tô màu đen tấp vào quán, một người thanh niên bước ra, với vẻ mặt rất lo lắng tìm kiếm. Khi người này nói đúng là chủ nhân của chiếc túi tiền bị đánh rơi, anh Ý đem túi tiền trả lại.

Được biết, người được anh Ý trả lại tiền tên là Jiang Qin Lin, mang quốc tịch Trung Quốc, hiện đang làm việc tại dự án Formosa trong Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

DƯƠNG QUANG - MINH ĐỨC

>> Đội ngũ trí thức Việt Nam phản đối hành động sai trái của Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục