Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết tại Chile. Trong hiệp định này, điều Việt Nam lo ngại nhất đó là vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT), với 10 điều (trong số 20 điều) liên quan đến SHTT được đưa vào thỏa thuận giữa các nước. Tại nước ta, tình trạng xâm phạm SHTT hiện tại khá phổ biến, ngày càng phức tạp, phát sinh hàng loạt vụ tranh chấp thương mại. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng này.
Tràn ngập vi phạm
Việc thực thi các quy định về SHTT, thực hiện biện pháp cải thiện, khắc phục các trường hợp xâm phạm quyền SHTT ở nước ta hiện nay là một thách thức lớn đối với Nhà nước. Các cơ quan quản lý thị trường có nhận xét chung là hàng giả mạo nhãn hiệu tràn lan luôn là vấn đề nhức nhối, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát trên thị trường. Việc này không những ảnh hưởng đến việc tiêu dùng của người dân mà còn đến cơ hội kinh doanh, lợi nhuận của các nhà sản xuất, đầu tư.
Việc xâm phạm quyền SHTT trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất, cung cấp hàng hóa khiến người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện. Các hành vi vi phạm được thực hiện ngày càng phức tạp, có quy mô, tổ chức chặt chẽ hơn, ngoài việc thực hiện trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, còn mở rộng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài. Ví dụ, hàng năm sản lượng nước mắm Phú Quốc sản xuất chỉ đạt tối đa 15 triệu lít, nhưng có tới hàng trăm triệu lít nước mắm mang thương hiệu Phú Quốc tung ra thị trường; hoặc Công ty Unilever Việt Nam có thời điểm bị thiệt hại do hàng nhái, hàng giả và buôn lậu lên tới hàng chục triệu USD; trong đó đã xác định được 90% hàng giả theo các nhãn hàng của Unilever có xuất xứ từ nước ngoài. Một dẫn chứng khác đó là thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội và TPHCM đã kiểm tra, phát hiện hàng chục tấn thực phẩm chức năng trôi nổi, giả mạo thương hiệu... Qua đấu tranh, khai thác thông tin, các đối tượng kinh doanh vi phạm khai nhận nhập trực tiếp những viên nang từ Trung Quốc, sau đó đóng gói, tiêu thụ tại các nhà thuốc trên cả nước...
Tuy nhiên, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT về hành chính, dân sự và hình sự hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn nên việc phát hiện, xử lý vi phạm rất khó khăn; bên cạnh đó, việc chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính, dân sự cũng không đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm; dẫn đến không thể xử lý triệt để tình trạng vi phạm, Thực trạng này cho thấy, công tác đấu tranh phòng chống tội xâm phạm SHTT hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền SHTT một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm, cũng như trước các yêu cầu cấp thiết khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền SHTT trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế. Nguyên nhân chính của việc quyền SHTT thường xuyên bị xâm phạm là do hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên rất có sức hút, lôi kéo nhiều đối tượng thuộc các địa bàn, lĩnh vực khác nhau tham gia, kể cả những người lao động thuần túy.
Trong quá trình hội nhập, việc bảo hộ quyền SHTT có tác động tích cực, góp phần làm nên những kết quả đáng kể trên nhiều lĩnh vực, gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; nhưng cũng phát sinh những yếu tố tiêu cực tác động vào nền kinh tế nước ta. Các mặt hàng nội địa tuy đa dạng, phong phú và có cải tiến nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện mất cân đối do thu nhập bình quân thấp và giá hàng hóa sản phẩm phục vụ sinh hoạt cao.
Tăng cường tuyên truyền
Để đẩy lùi tình trạng này, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân được bảo hộ, quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển của đất nước, cơ quan quản lý nhà nước và người dân cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết về SHTT. Luật SHTT cần được nghiên cứu điều chỉnh nhằm phù hợp tình trạng bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam và phù hợp với xu thế bảo hộ quyền này của quốc tế. Việc áp dụng chế tài liên quan đến SHTT tại Việt Nam chưa thực sự minh bạch và chưa đủ răn đe cho nên cần có quy định cụ thể hơn, tăng trách nhiệm đối với hành vi vi phạm; áp dụng các chế tài phù hợp để răn đe hành vi vi phạm, đặt biệt là quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. Về công tác tuyên truyền, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật; trong đó có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần chủ động hơn trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT.
Đây thực sự là thách thức lớn đối với Việt Nam khi tham gia CPTPP, để có thể thích ứng với các quy định của CPTPP, chúng ta cần tiếp tục tăng cường vai trò quản lý và điều hành của Nhà nước, sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước đủ sức cạnh tranh đối với hàng ngoại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; hạn chế lạm phát và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Về quan hệ với các nước trên thế giới, chúng ta cần mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia xây dựng lực lượng quản lý chuyên trách phòng chống hành vi vi phạm đặt trụ sở tại một số quốc gia trong khu vực nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về xâm phạm SHTT.
Hiệp định CPTPP sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét, thông qua và đưa vào thực hiện. Để bảo đảm CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành tuyên truyền, phổ biến nội dung và tác động của hiệp định tới công chúng, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của CPTPP; nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; cần xây dựng năng lực và nhạy bén trong kinh doanh, đặc biệt là thương hiệu, uy tín, chất lượng để làm ăn dài hạn trong tương lai.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường giáo dục kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.