Cài số, kéo ga vượt cầu Trường Phước rồi đổ dốc bon bon trên đường Long Phước, dì Nguyễn Thị Thanh Nhàn, trưởng ban điều hành khu phố Trường Khánh, phường Long Phước quận 9, TPHCM quay lại nói: “Đường này hồi xưa gặp mùa mưa, thằng con tui đi học là phải vác xe đạp trên vai, lội sình mấy cây số đó!”.
Đổi đời
Bà con khu phố Trường Khánh, phường Long Phước không ai là không biết chuyện nhà ông Phạm Văn Giỏi (Mười Giỏi). Một nách 8 con, hai vợ chồng ông bán hết đất đai, nhà cửa để nuôi con. Không đất canh tác, ông Mười đi làm mướn: từ trồng cây, be bờ, đốn lá, chằm lá; vợ ông đi nuôi bò thuê. Vợ chồng, con cái cất cái chòi ở nhờ trên đất của chủ đất.
Nhà nghèo, con đông nhưng vợ chồng ông quyết tâm không để đứa nào thất học. Mong ước đó có thể nói là viển vông nếu không có sự tiếp sức của bà con xóm làng và chính quyền địa phương. Mượn được miếng đất nhỏ của đứa em gái, ông Mười được phường xây tặng căn nhà tình thương. Không chỉ xây nhà, địa phương còn tặng ti vi, tủ, bàn; tặng xe máy làm phương tiện đi lại để gia đình đưa đón mấy đứa nhỏ đi học. 8 đứa con ông Mười lần lượt nhận học bổng khuyến học của phường, quận. Thấu hiểu tình thương của cha mẹ và tấm lòng của bà con chòm xóm, đứa nào cũng học giỏi. Đi học một buổi, buổi còn lại mấy chị em đi chăn vịt, chăn bò, rút ngó sen, cắt cỏ. Mùa gặt, nhà người ta có tiền mướn máy tuốt lúa còn vợ chồng con cái nhà ông thì dắt nhau ra đồng đạp lúa, lắc lúa. Đến nay, 6 người con lớn của ông Mười đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và tìm được việc làm ổn định, thu nhập khá. Đứa thứ 7 hiện đang học lớp 12, dự định thi vào đại học cảnh sát. Còn lại 2 đứa út đang học lớp 8, lớp 9. Mới đây, các con ông đã góp tiền lương để trả hết số nợ vay ngân hàng. Em Phạm Thị Trúc, con thứ 5 trong gia đình phấn khởi nói: “Giờ tụi em đã có việc làm, chắc chắn cuộc sống gia đình sẽ khá hơn. Tết năm nay có lẽ là cái tết vui với cả nhà em”.
Nhìn thím Huỳnh Thị Hồng, nông dân rặt ở khu phố Lân Ngoài, phường Long Phước cầm lái chiếc xe hơi bóng lộn, nhiều người lại nhớ về cái thời thím Hồng cả ngày đi chân không lội sình, lội rẫy thúi hết móng. Giờ vợ chồng thím đã đổi tới cái xe thứ 3: ban đầu là chiếc Hyundai, đổi qua chiếc Getz, giờ “lên đời” chiếc Matiz. Thím nhớ lại: “Hồi đó nhà tui nghèo lắm. Xã cho 14 triệu đồng cất nhà tình thương. Mình tui đào hết một rẫy khoai mỡ chở xuồng theo sông Đồng Nai đem bán kiếm thêm tiền phụ vô cất được cái nhà”. Đồ rẫy trồng được một tay thím Hồng đi bán. “Có thời, mỗi đêm tui ngủ chưa đầy 2 tiếng. Cái lưng đặt xuống ván còn hổng một khoảng, đặt vừa 2 bàn tay. Vì tui bị chứng đau lưng, nằm phải cong người vậy mới chịu nổi” - thím Hồng kể. Làm lụng cực nhọc trong nhiều năm, cuối cùng hai vợ chồng thím cũng có của ăn của để, cải tạo miếng vườn tạp theo mô hình vườn sinh thái nằm trong khu quy hoạch 20 ha vườn cây ăn trái của phường Long Phước. Đến nay, khu vườn của thím đã thành hình, có đủ loại cây ăn trái, có ao thả cá chim, cá phi, cá tai tượng và đã bắt đầu có khách du lịch.
Chuyện chú Mười Giỏi, thím Hồng chỉ là số ít trong số những câu chuyện vượt nghèo ở cù lao Long Phước. Con số thống kê mà chị Cao Thùy Nhịn, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế UBND phường Long Phước đưa ra thật nhiều ý nghĩa: từ tỷ lệ trên 60% hộ nghèo theo chuẩn cũ (dưới 6 triệu đồng/người/năm) ngày trước nay giảm còn hơn 30% hộ nghèo theo tiêu chí mới (dưới 12 triệu đồng/người/năm). Chị Nhịn nói: “So với Long Phước của ngày xưa, Long Phước hôm nay đã tuyệt vời hơn nhiều”.
Bước ngoặt
Phường Long Phước nằm ở phía Đông quận 9 và được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Tắc nên thường được ví như một cù lao nổi giữa TP, được xem là phường xa nhất và nghèo nhất của quận 9. Đến Long Phước hôm nay, thứ “đặc sản” ấn tượng nhất của vùng đất cù lao này có lẽ là… xe buýt. Chỉ trong một buổi sáng, rong ruổi trên tuyến đường nào thuộc phường Long Phước, cứ độ chừng 15 - 20 phút, chúng tôi lại thấy một chuyến xe buýt rước khách. Bỏ ra 3.000 - 4.000 đồng, ngồi xe chừng một tiếng là về tới trung tâm TP. So với cái thời chân lội sình, xe trên vai, chuyện những chuyến xe buýt liên hiệp màu xanh luồn lách khắp các con đường ở Long Phước thật sự là một chuyện vui, đánh dấu bước ngoặt lớn.
Các trục đường chính trong phường đều đã được trải bê tông, tráng nhựa. Nhiều tuyến hẻm cũng đang được bê tông hóa. Phường có nhà văn hóa. Công tác xóa đói giảm nghèo thu được kết quả khả quan: trong năm 2010, số hộ vượt khỏi chuẩn nghèo là 137 hộ, đạt tỷ lệ 102% so với kế hoạch đề ra.
Năm 2007, tin vui đến với người dân Long Phước khi UBND TPHCM phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị cù lao Long Phước. Đây sẽ là một đô thị có sự cân bằng sinh thái tự nhiên của vùng đất có nhiều sông nước. Tiềm năng cơ bản của Long Phước chính là quỹ đất còn lớn với nhiều sông nước tạo nên cảnh quan đẹp; có nhiều tuyến giao thông quan trọng của TP đi qua như đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nối với tỉnh Đồng Nai cùng nhiều tuyến giao thông khác kết nối với đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là lợi thế để phường Long Phước có điều kiện thu hút đầu tư, hình thành một khu đô thị mới với các dự án về du lịch sinh thái, nhà vườn, các khu vui chơi, giải trí và kể cả một số lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo… Một tương lai đẹp đang mở ra trước mắt người dân vùng đất nghèo.
Cùng chung miền ký ức về một thời cách trở đò giang như dì Nhàn, em Phạm Thị Trúc, nhà ở khu phố Trường Khánh, kể: “Hồi em học lớp 8, cả nhà ở trong kinh Ông Đào bên Vàm Tắc. Mỗi buổi sáng, ba em phải chống xuồng bơi qua kinh đưa mấy chị em đi học”. Bây giờ, dù Long Phước vẫn còn nằm trong danh sách 20 phường xã nghèo nhất của TP nhưng cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. |
Mai Hương