Cử tri kiến nghị tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách

Từ nay đến hết nhiệm kỳ còn 4 tháng, sẽ nỗ lực tối đa để thúc đẩy giải quyết những bức xúc còn tồn đọng mà cử tri gửi gắm - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, TPHCM vào sáng 3-3. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng tiếp xúc cử tri quận 3.
Cử tri kiến nghị tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách

Từ nay đến hết nhiệm kỳ còn 4 tháng, sẽ nỗ lực tối đa để thúc đẩy giải quyết những bức xúc còn tồn đọng mà cử tri gửi gắm - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, TPHCM vào sáng 3-3. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng tiếp xúc cử tri quận 3.

Sự trì trệ ở cơ quan công quyền còn nhiều

Chủ tịch nước chia sẻ thêm, khi bàn giao cho khóa mới cố gắng giải quyết công việc để không tồn đọng, nếu có thì cũng chỉ ít. Do đây là phiên tiếp xúc cuối cùng của nhiệm kỳ trên cương vị ĐBQH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn những ý kiến đóng góp nhiệt tình của cử tri. “Tôi sợ nhất là người ta nói chợ chiều, những buổi cuối cùng dễ chợ chiều lắm”, đồng chí Trương Tấn Sang nói và khẳng định, từ nay đến hết nhiệm kỳ còn 4 tháng, sẽ nỗ lực tối đa để thúc đẩy giải quyết những bức xúc còn tồn đọng mà cử tri gửi gắm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1, TPHCM

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ nhiều trăn trở, bức xúc. Cử tri Vũ Trọng Quý (phường 7, quận 3) kể câu chuyện nơi ông đang sinh sống tại số nhà 99 Trần Quốc Toản (quận 3). Theo ông Quý, nhà ông đang ở không phải là nhà biệt thự, nằm trong hẻm có lộ giới nhưng Sở Xây dựng lại cho đó là nhà biệt thự. “Trên giấy tờ của chính quyền cũ thì đó là biệt thự. Khi tiếp quản, cơ quan chúng tôi cải tạo, xây thành nhà tập thể, từng căn hộ cấp cho cán bộ ở. Thế mà chính quyền lại giữ lại làm trụ sở làm việc vì cho rằng là nhà biệt thự mặt tiền. Chúng tôi đã làm thủ tục hóa giá từ năm 2008 nhưng không cho, bây giờ vẫn bắt chúng tôi ký hợp đồng thuê”, ông Quý lý giải.

Với bức xúc trên, ông Quý cho biết nhiều lần đại biểu Trần Du Lịch và trợ lý của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp đến nhà ông để giải quyết. “Tuy đến nay chưa được giải quyết nhưng các đại biểu đã sâu sát xuống tận nơi để lắng nghe người dân, đó là những hành động làm cho tôi thấy xúc động”, ông Quý nói và cho rằng, sự trì trệ của cơ quan công quyền còn rất nhiều. Hàng chục lần tiếp xúc cử tri là hàng chục lần ông đứng lên bày tỏ bức xúc.

Cử tri Nguyễn Minh Hoan (phường Tân Định, quận 1) đề nghị lãnh đạo TPHCM cần tăng cường tiếp xúc với cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân nhiều hơn nữa. Có như thế mới giải quyết được phần nào bức xúc của người dân. Ông cũng mong chính quyền các cấp quan tâm và giải quyết kịp thời những kiến nghị của cử tri. Đồng quan điểm này, cử tri Lê Đình Vũ (phường Tân Định) nêu rằng, có nhiều vụ việc cử tri phát hiện và phản ánh về các trường hợp áp dụng sai luật, gây ảnh hưởng quyền lợi người dân nhưng lại chậm được giải quyết, rất trì trệ. Ông lấy dẫn chứng từ đường dây nóng của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, khi vừa công bố thì có hàng ngàn cuộc gọi phản ánh khiến cho tình trạng nghẽn mạch, chứng tỏ bức xúc của người dân hiện nay rất lớn ở nhiều lĩnh vực nhưng chưa được chính quyền giải quyết thỏa đáng.

“Đại biểu vào Quốc hội phải có tham luận chứ không phải ngồi nghe”

Cử tri Phạm Bá Lữ (phường Đa Kao, quận 1) đề nghị ĐBQH cũng như lãnh đạo chính quyền phải gần dân hơn, đi xuống từng ngõ hẻm, từng nhà dân để nghe dân nói và hiểu dân hơn. Như thế mới mong những tâm tư, nguyện vọng hay bức xúc của người dân được giải quyết nhanh chóng.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cũng mong muốn Quốc hội khóa mới cần tăng số lượng đại biểu của TPHCM, tăng đại biểu chuyên trách lên 60%. “Đại biểu vào Quốc hội phải có tham luận chứ không phải ngồi nghe”, cử tri Nguyễn Minh Hoan nói. “Các đồng chí kiêm nhiệm vào Quốc hội gần như không hoạt động gì, thậm chí đang họp bỏ về giải quyết việc ở địa phương. Có ĐBQH có chức, có quyền nhưng suốt nhiệm kỳ không có phát biểu nào”, ông Phạm Bá Lữ bức xúc.

Thông tin tại hội nghị tiếp xúc cử tri, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII là kỳ họp phụ để tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2016. Tuy nhiên, do Quốc hội còn “nợ” một số vấn đề lớn nên thời gian nghị sự sẽ kéo dài từ 21-3 đến 14-4 “để quyết những nội dung không phải phụ chút nào”.

Ông Trần Du Lịch cũng thông tin kỳ họp sẽ thông qua 7 luật trong chương trình lập pháp, gồm các luật tiếp cận thông tin; ký kết, gia nhập các tổ chức quốc tế; sửa đổi luật báo chí; giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em; sửa đổi luật dược; sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, quản lý thuế; sửa đổi luật thuế xuất nhập khẩu. Kỳ họp cũng sẽ xem xét, thông qua một số nhiệm vụ lớn, điển hình là thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ…

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục