Cử tri tỉnh Đồng Nai bức xúc chuyện Sonadezi xả thải ra môi trường

° Hơn 120 hộ nộp đơn đòi Sonadezi bồi thường
Cử tri tỉnh Đồng Nai bức xúc chuyện Sonadezi xả thải ra môi trường

° Hơn 120 hộ nộp đơn đòi Sonadezi bồi thường

(SGGP).- Ngày 15-8, các đại biểu Quốc hội đơn vị số 2 tỉnh Đồng Nai gồm: bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển KCN Đồng Nai (Sonadezi); ông Hồ Văn Năm, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai và ông Vũ Văn Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đã có cuộc tiếp xúc với hơn 100 cử tri thuộc xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII.

Nước thải được xử lý tại hệ thống xử lý của Công ty Liên Minh sau khi đấu nối vào nhà máy xử lý của Sonadezi. Ảnh: HOÀI NAM

Nước thải được xử lý tại hệ thống xử lý của Công ty Liên Minh sau khi đấu nối vào nhà máy xử lý của Sonadezi. Ảnh: HOÀI NAM

Trong 12 ý kiến của cử tri đặt ra tại cuộc tiếp xúc, có đến hơn một nửa nội dung đề cập đến thực trạng tại Đồng Nai hiện nay là công nghiệp thì phát triển mạnh, nhưng hạ tầng cơ sở, đường sá giao thông lại quá yếu kém. Kéo theo là vấn nạn ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông ngày càng phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Long (ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2) nêu vấn đề: Vụ Công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân chưa giải quyết xong, nay lại đến Công ty CP DV Sonadezi Long Thành (Sonadezi Long Thành) xả thải ra sông Đồng Nai. Qua báo chí thông tin, cử tri rất bức xúc về vụ việc này và kiến nghị phải xử lý nghiêm, cũng như làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức đã gây ra thiệt hại cho người dân do hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Chung (ngụ ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2) đặt câu hỏi với bà Đỗ Thị Thu Hằng: “Đề nghị đại biểu Quốc hội cho cử tri chúng tôi biết vụ Sonadezi Long Thành tới đâu rồi, việc bồi thường cho người dân thực hiện ra sao?”. Đồng Nai là địa phương đứng nhất, nhì cả nước về phát triển các khu công nghiệp. Thế nhưng, hệ lụy mà nó gây ra cũng không nhỏ, đặc biệt là mặt trái xã hội, ô nhiễm môi trường. “Nhà nước cần có quy định, ai gây ô nhiễm môi trường, ngoài việc phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả còn phải đóng góp một khoản tiền lớn vào quỹ môi trường để bảo vệ môi trường chung của cả nước” - ông Chung kiến nghị.

Cuối phần trả lời cử tri của đại biểu Quốc hội và giải trình của đại diện chính quyền địa phương, thấy không có nội dung nói đến vụ Sonadezi Long Thành, ông Chung lại đứng lên chất vấn: “Đề nghị đại biểu Hằng, Tổng Giám đốc Sonadezi nói rõ vấn đề này thế nào?”.

Đến lúc này, bà Hằng buộc phải lên diễn đàn phát biểu: “Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, làm rõ. Nếu có sai sót, chúng tôi sẽ sửa chữa và khắc phục. Do chưa có kết luận cụ thể nên tôi không thể nói gì hơn lúc này…”.

Chiều 15-8, UBND xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện đã có hơn 120 hộ dân gởi đơn khiếu nại lên UBND xã nhờ hỗ trợ yêu cầu nhà máy xử lý nước thải KCN Long Thành (thuộc Công ty Sonadezi) bồi thường thiệt hại về kinh tế. Trong đó, nhiều đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường thiệt hại từ 100 đến hơn 200 triệu đồng/năm với thời gian thiệt hại 5 năm, từ năm 2006 đến nay.

Theo UBND xã Tam An, sau khi nhà máy xử lý nước thải KCN Long Thành của Sonadezi gây ô nhiễm, bị cảnh sát môi trường bắt quả tang và lập biên bản vi phạm, UBND xã đã cắt cử cán bộ đứng ra nhận đơn của người dân gởi đến yêu cầu Sonadezi bồi thường. Tuy nhiên, UBND xã cũng chỉ dừng lại ở việc tiếp tục nhận đơn, chứ chưa tiến hành thống kê thiệt hại của từng hộ dân. Khi nào có kết luận chính thức của cảnh sát môi trường về mức độ gây ô nhiễm của Sonadezi thì UBND xã sẽ đứng ra hỗ trợ người dân yêu cầu Sonadezi bồi thường...

“Ai làm người ấy chịu”

Chưa thỏa mãn với cách trả lời trước cử tri của bà Đỗ Thị Thu Hằng, sau khi cuộc tiếp xúc kết thúc, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi riêng với bà Hằng để đi tìm câu trả lời về vụ xả thải nghiêm trọng này.

° PV: Trách nhiệm của bà trong vụ việc này tới đâu?

° Bà Đỗ Thị Thu Hằng: Sonadezi Long Thành là đơn vị thành viên của Sonadezi. Công ty mẹ chỉ có vốn góp cổ phần tại Sonadezi Long Thành và doanh nghiệp này hoạt động có tính độc lập. Việc điều hành, quản lý đối với Sonadezi Long Thành theo điều lệ doanh nghiệp và họ chịu trách nhiệm pháp luật trước việc mình làm.

° Thế nhưng, Sonadezi Long Thành nhiều năm nay vi phạm xả thải ra môi trường, điều này bà có biết?

° Sonadezi hiện có rất nhiều đơn vị thành viên, chúng tôi lãnh đạo, điều hành theo pháp luật. Không có chuyện các đơn vị ở dưới sai mà chúng tôi không biết.

° Thế nhưng, đối với Sonadezi Long Thành thì họ đã nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính do hành vi xả thải ra môi trường, nhưng tới nay chưa bị xử lý bằng các biện pháp mạnh?

° Mỗi doanh nghiệp hoạt động đều chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Ai sai thì người đó phải bị xử lý.

° Vậy ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc sai phạm này?

° Tới nay, chúng tôi chưa có sai phạm gì về việc này hết vì chưa có cơ quan trách nhiệm nào kết luận chính thức. Khi nào có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ chủ động mời báo chí đến để thông tin cho người dân và công luận biết.

H. NAM – L. LONG

- Thông tin liên quan:

>> Vụ xả thải ra sông Đồng Nai: Sai phạm có hệ thống của Sonadezi

>> Lật tẩy chiêu “móc túi” doanh nghiệp của Sonadezi

>> Vụ Công ty Sonadezi xả thải trực tiếp ra sông Đồng Nai: Sai phạm rõ ràng, không thể biện minh

Tin cùng chuyên mục