Cửa mở, lại bắt dùng chìa khóa!

Ý kiến

Với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp ra đời và hoạt động, luật hiện hành quy định bất kỳ người nào muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân, không cần chứng minh địa chỉ trụ sở (tức không cần hợp đồng thuê, mượn địa điểm, không cần chứng minh quyền sở hữu địa chỉ trụ sở doanh nghiệp…).

Quy định “thoáng” này không những “bớt” thủ tục cho doanh nghiệp, giúp việc đăng ký kinh doanh nhanh gọn mà còn giúp nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (không cần trụ sở) ra đời có thể “ký gởi” vào văn phòng ảo. Hơn nữa, một khi cơ quan quản lý thuế nơi này nơi kia còn gây khó dễ, quy định này đồng nghĩa với việc cho phép doanh nghiệp được lựa chọn cơ quan thuế nào quản lý mình.

Khi một quy định “thoáng” sẽ kéo theo những điều kiện thuận lợi khác. Ngược lại, một quy định chặt sẽ làm “nghẽn mạng” dắt dây. Điểm khó nhất, vướng víu nhất trong hoạt động đăng ký kinh doanh hiện nay là quy định mã ngành. Các doanh nghiệp cứ phải hì hụi tìm mã ngành, sửa đi sửa lại nhiều lần. Mang tiếng đăng ký kinh doanh qua mạng nhưng doanh nghiệp phải nhiều lần đến chầu chực phòng hướng dẫn đăng ký kinh doanh để nhờ cán bộ hướng dẫn ghi mã ngành cho đúng.

Buồn cười hơn nữa là nhiều ngành cho phép đăng ký nhưng khi cấp phép, Sở Kế hoạch - Đầu tư lại mở ngoặc “không kinh doanh tại trụ sở”, có ngành lại ghi “không kinh doanh trên địa bàn TPHCM” (ví dụ như ngành hậu kỳ phim)! Quy định thế khiến doanh nghiệp cười như mếu, đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp do cơ quan chức năng địa bàn này cấp phép mà lại không cho phép hoạt động trên địa bàn mình, lẽ nào cấp phép để hoạt động ở địa bàn khác?!

Trong khi đó, luật vô cùng “mở”, cho phép doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào, chỉ những ngành có điều kiện thì phải chứng minh điều kiện theo yêu cầu. Vì phức tạp trong đăng ký mã ngành, không ít doanh nghiệp copy tất cả các ngành có trong quy định (chỉ trừ những ngành có điều kiện) để “phòng” biết đâu mình sẽ kinh doanh ngành đó, khỏi mắc công tốn thời gian sửa đổi, bổ sung giấy giấy phép sau này!

Khi doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề quá, Sở KH-ĐT lại “đẻ” thêm yêu cầu, buộc doanh nghiệp phải đăng ký thêm “ngành nghề chính” để phục vụ cho… công tác thống kê! Kiểu quản lý như thế có vẻ rất lỗi thời mà không nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.

Hiện nay, Quốc hội đang sửa đổi Luật Doanh nghiệp, thiết nghĩ, chúng ta nên mạnh dạn bỏ quy định về đăng ký mã ngành đối với doanh nghiệp. Luật chỉ cần quy định danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện, khi doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành có điều kiện phải đáp ứng đúng các điều kiện theo yêu cầu.

Ngoài danh sách đó ra, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh, bình đẳng như nhau. Có như vậy, cơ quan quản lý nhà nước sẽ bớt đi chi phí quản lý, doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong hoạt động đăng ký kinh doanh của mình.

HÀN NI
 

Tin cùng chuyên mục