Cụm công nghiệp không phép giữa TP Biên Hòa: Nhà máy trên... đất cây xanh

CCN Phước Tân có diện tích hơn 72ha, được hình thành tự phát hơn 10 năm qua trên đất quy hoạch công viên rừng trồng. Nhiều cá nhân ồ ạt vào đây lập doanh nghiệp (DN), xây dựng trái phép nhà xưởng, gây hậu quả nghiêm trọng. 
Nhiều nhà xưởng được xây dựng trái phép trên đất quy hoạch công viên rừng trồng tại CCN Phước Tân
Nhiều nhà xưởng được xây dựng trái phép trên đất quy hoạch công viên rừng trồng tại CCN Phước Tân

LTS: TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) được mệnh danh là thành phố công nghiệp với sự ra đời của khu công nghiệp (KCN) đầu tiên và tập trung nhiều KCN lớn của cả nước. Thế nhưng, ít ai nghĩ rằng giữa lòng TP Biên Hòa mọc lên cụm công nghiệp (CCN) không phép với quy mô hàng trăm hecta, thuộc 2 khu phố Tân Cang, Tân Lập (phường Phước Tân) với nhiều công trình xây dựng trái phép. Dù đã được UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung vào quy hoạch CCN nhưng lại chưa được Thủ tướng phê duyệt bổ sung trong quy hoạch sử dụng đất, khiến việc xử lý hậu quả đang rất khó khăn.


CCN Phước Tân có diện tích hơn 72ha, được hình thành tự phát hơn 10 năm qua trên đất quy hoạch công viên rừng trồng. Nhiều cá nhân ồ ạt vào đây lập doanh nghiệp (DN), xây dựng trái phép nhà xưởng, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong lúc chính quyền tỉnh Đồng Nai loay hoay tìm phương án khắc phục sai phạm thì các DN rót vốn đầu tư tiền tỷ đang lo lắng trước nguy cơ bị cưỡng chế tháo dỡ nhà xưởng và công trình xây dựng bất cứ lúc nào. 
Cụm công nghiệp “chui”
Có mặt tại CCN Phước Tân vào những ngày cuối tháng 8, chúng tôi cảm nhận được hoạt động nhộn nhịp của các DN. Con đường từ Tân cảng Long Bình ICD dẫn vào CCN có nhiều xe container, xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau để bốc, xếp hàng hóa chuyển đi các nơi. Chỉ một đoạn đường bê tông chừng 400m-500m có tới 20 nhà xưởng, diện tích từ vài ngàn mét vuông đến cả hecta đang hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất và kinh doanh hóa chất, chế biến gỗ… Có nhiều nơi cỏ mọc um tùm và cuối những con đường tự mở là những tiệm cà phê, tiệm bán tạp hóa; xen lẫn âm thanh ồn ào là bụi tung mù mịt. Các ống xả khói đen kịt lên bầu trời và phía sau những nhà xưởng là hàng chục hố chứa nước thải đen đặc. Đường sá trong CCN xuống cấp nghiêm trọng; xuất hiện nhiều vị trí sụp lún, có khu vực tạo thành hố sâu, chi chít ổ gà, làm mặt đường nham nhở, vào những ngày mưa đường trở nên lầy lội khó đi. 
Ông Trần Ngọc Kiệt (SN 1962, sống từ trước năm 1975 tại khu phố Tân Cang) cho biết, CCN này có nguồn gốc đất rừng, được bà con trong vùng khai phá, trồng lúa mưu sinh. Trước năm 2010, một người phụ nữ tên Giàu mua lại và gom các thửa đất chừng 30ha, nhằm lập CCN. Do không được cấp phép xây dựng nên sau đó bà Giàu bán cho nhiều người đầu tư nhà xưởng. Rầm rộ nhất vào năm 2013, nhiều cá nhân, DN từ TPHCM, TP Biên Hòa, huyện Long Thành đến đây mua đất, phân lô bán nền, “xẻ thịt” đất công viên rừng trồng thành lập DN và dần dà diện tích được mở rộng tới hàng trăm ha…
Trong quá trình thu thập hồ sơ, phóng viên Báo SGGP phát hiện có sự mập mờ về tính pháp lý của CCN Phước Tân. Đó là trước năm 2010, khu vực 72 ha không có quy hoạch xây dựng CCN. Đến ngày 25-7-2014, UBND tỉnh Đồng Nai mới có Quyết định số 2302-QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung xây dựng của TP Biên Hòa, nhưng khu đất này thuộc quy hoạch đất công viên rừng trồng (công viên cây xanh). Để sửa sai, chính quyền địa phương đã “cầu cứu” Bộ Công thương bổ sung CCN vào quy hoạch phát triển CCN tại Đồng Nai đến năm 2020.
 Sau đó, ngày 23-5-2016, UBND tỉnh Đồng Nai rốt ráo ban hành văn bản số 4071/UBND-KT chấp thuận bổ sung quy hoạch CCN vào quy hoạch phát triển CCN của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và cuối tháng 12-2017, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 4738/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là đất CCN. Trong việc điều chỉnh này, UBND tỉnh Đồng Nai không trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung CCN này vào quy hoạch đất giai đoạn 2015-2020. 
Thời điểm này, tỉnh Đồng Nai cũng chưa triển khai thủ tục thành lập CCN nhưng đã có tới 48 trường hợp vào xây dựng công trình, nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng với khoảng 1.558 lao động.
Sai phạm tràn lan
Mới đây nhất, lực lượng chức năng TP Biên Hòa đã cưỡng chế 4 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất, xây dựng trái phép. Đáng chú ý, khi lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ nhà xưởng khung sắt mái lợp tôn hơn 500m2 của ông Lê Văn Hoàn (tại thửa đất 14, tờ số 3, phường Phước Tân), đã gặp sự chống đối quyết liệt của ông Hoàn. 
Chỉ tính từ tháng 3-2010 đến 2018, có 44 công trình không phép trên diện tích 155.199m2 nhưng chỉ có 28 trường hợp bị xử phạt, nên các hộ dân trong vùng cho rằng chính quyền xử phạt cho có bởi “phạt buổi sáng đến tối nhà xưởng lại mọc lên”. Do chính quyền “cảm thông” với DN nên có tới 65 trường hợp chuyển đổi mục đích đất trái phép được cho thời gian khắc phục, có gần 40 DN không đăng ký đầu tư và 32 DN khai địa chỉ khống; có tới 37/42 DN xả thải trực tiếp ra môi trường, trong đó đã có 34 trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Chưa kể nhiều sai phạm khác về quy định phòng cháy chữa cháy, nghĩa vụ nộp thuế môn bài. Đáng lo, trước khi bàn giao phường Phước Tân về TP Biên Hòa (năm 2010), đã có 4 DN gồm: Công ty TNHH sản xuất - thương mại Thái Hòa, Công ty cổ phần Gas Tấn Tài, Công ty cổ phần Chế biến sản phẩm nông nghiệp Quốc tế, Công ty TNHH Vener Huỳnh Lê đã xây dựng nhà xưởng nhưng chính quyền không xử lý. 
Đáng ngại hơn, chúng tôi còn phát hiện ngoài khu vực 72 (khu phố Tân Cang) đã có kết luận thanh tra còn có khu vực nhà xưởng của hơn 100 DN cũng xây dựng không phép đang hoạt động trên khu vực với diện tích khoảng 1.000ha thuộc 2 khu phố Tân Cang, Tân Lập, tạo thành “vết dầu loang” có nguy cơ tràn sang các khu vực liền kề. Các DN với đủ ngành nghề như chế biến, gia công, kinh doanh than đá, hóa chất như P.N.P., cơ khí D.T., M.T.N.,  T.L.,… đang kinh doanh rất nhộn nhịp với nhiều đống gỗ, thùng đựng hóa chất, vật liệu được tập kết ngổn ngang, chất cao như quả đồi. Nhiều ô tô tải trọng lớn vào ra liên tục vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ, các loại phế phẩm vứt la liệt ra ven đường… 
Ở khu vực mới phát sinh, nhiều DN cũng sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cho các cá nhân, DN khác thuê lại, sử dụng vào mục đích kinh doanh... 

Nỗi lòng doanh nghiệp

Anh Lê Trí Minh (Giám đốc Công ty Đại Á Thành, chuyên gia công lắp ráp bộ dây điện) cho biết, vào năm 2013 mua 4.000m2 đất với giá 2 tỷ đồng, xây dựng nhà xưởng 1.200m2, sản xuất thiết bị điện cung cấp cho các DN nước ngoài, doanh thu mỗi năm 40 - 60 tỷ đồng, nộp thuế hơn 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho gần 200 công nhân, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng, được đóng bảo hiểm đầy đủ. Anh tâm tư: “Do sổ đỏ của mảnh đất ghi đất làm kho bãi đã đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và mua các trang thiết bị sản xuất, không được mở rộng nên khó phát triển ngành nghề. Và đáng lo hơn, công ty đang nợ ngân hàng 14 tỷ đồng, tiền lãi mỗi tháng phải trả gần 100 triệu đồng; nếu phá dỡ công trình nguy cơ sẽ dẫn đến phá sản”. 

Một trường hợp khác là anh Trương Vĩnh Lộc (Giám đốc Công ty SX-TM-DV Hóa chất Trương Lộc) đã đầu tư 10 tỷ đồng mua 2.000m2 đất xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh hóa chất, mỗi năm doanh thu 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động với mức lương trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Anh chia sẻ: “Với chi phí 4-10 tỷ đồng bỏ vào xây nhà xưởng, các DN đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào CCN Phước Tân và nhiều chủ DN nợ ngân hàng vài chục tỷ đồng nên có nguyện vọng Nhà nước cho tồn tại các công trình vì nếu cưỡng chế tháo gỡ sẽ gây thiệt hại lớn cho DN, hàng ngàn người lao động mất việc làm. Mong sao, các ngành chức năng có hướng giải quyết phù hợp tạo điều kiện cho DN phát triển”

Tin cùng chuyên mục