Cụm tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL: Nỗi lo sinh kế dân nghèo

Nhiều vướng mắc
Cụm tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL: Nỗi lo sinh kế dân nghèo

Đến nay, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ (DCVL) cơ bản đáp ứng mong mỏi của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ngập lũ, sạt lở nguy hiểm ở ĐBSCL được bảo toàn tính mạng, tài sản trong mùa nước nổi. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay tác động rất lớn đến hiệu quả bền vững của chương trình này là bài toán giải quyết “công ăn việc làm” cho dân nghèo khi vào sinh sống tập trung tại đây.

Khó khăn lớn nhất của người dân tại các cụm tuyến dân cư vượt lũ hiện nay là thiếu việc làm ổn định.

Khó khăn lớn nhất của người dân tại các cụm tuyến dân cư vượt lũ hiện nay là thiếu việc làm ổn định.

Nhiều vướng mắc

Nhìn chung, việc xây dựng các cụm tuyến DCVL cả giai đoạn 1 và 2 đều chậm trễ; cộng với tình trạng trượt giá đã phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt là chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà ở tăng nhiều lần nhưng không có nguồn bù đắp. Ông Phạm Vũ Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, phản ánh: “Đến nay, số nền sinh lợi (bán đấu giá để đầu tư hạ tầng cho các cụm tuyến dân cư) của giai đoạn 1 còn tồn đọng 70%, bán giá sàn vẫn không có người mua. Giai đoạn 2 của chương trình, Kiên Giang có 6 cụm tuyến đang bị chậm, có thể hoàn thành sau năm 2013. Khó khăn nhất hiện nay là mức đầu tư xây dựng nhà thấp, khó đảm bảo chất lượng. Tỉnh đã khảo sát, nếu “chạy” đúng đơn giá nhà nước thì giá thành 1 căn nhà hoàn chỉnh là 47,5 triệu đồng, trong khi đó suất đầu tư quy định hiện nay mà ngân hàng cho vay chỉ 20 triệu đồng. Hiện tại, chỉ lắp khung, không có vách đã hơn 20 triệu đồng. Vì thế cần tăng mức cho vay mới đảm bảo chất lượng công trình”.

Ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói: “Giai đoạn 2 thực hiện chậm vì ngân sách khó khăn, địa phương đang nợ xây dựng cơ bản lớn nên khó bố trí phần vốn đối ứng. Tỉnh kiến nghị Trung ương sớm phân bổ vốn và bổ sung trượt giá”. Cùng khó khăn này, ông Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, phản ánh: “Suất đầu tư hạ tầng thiết yếu hiện đã tăng 3 lần so với ban đầu, gây khó cho nguồn vốn đối ứng của tỉnh”. Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang, cho biết: “Trong giai đoạn 1 của chương trình vì suất đầu tư thấp, nên giờ đây đã xuống cấp, không có vốn để cải tạo lại. Tỉnh kiến nghị tăng vốn để xây dựng hạ tầng, nhà ở cho người dân trong cụm tuyến dân cư”.

Từ cơn lũ lớn năm 2011, sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại các địa phương đầu nguồn, phát sinh thêm hàng ngàn hộ dân cần được sớm di dời nhưng lại không có nơi bố trí. Giám đốc Sở Xây dựng An Giang Trần Trung Nghĩa cho biết: “Hiện có 8 cụm tuyến dân cư tại huyện An Phú đang bị sạt lở nghiêm trọng nhưng địa phương không có nguồn đầu tư xây kè bảo vệ. Đề nghị Trung ương bổ sung thêm 19 cụm tuyến dân cư để sớm bố trí 5.000 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm”. Tỉnh Đồng Tháp cũng phát sinh hơn 1.400 hộ dân trong vành đai sạt lở nguy hiểm cần phải di dời nhưng lại không nằm trong diện được bố trí vào các cụm tuyến DCVL giai đoạn 2…

Thiếu việc làm, khó trả nợ vay

Đây là khó khăn lớn nhất mà các địa phương đang gặp phải trong quá trình ổn định đời sống người dân sau khi vào các cụm tuyến DCVL. Đây cũng là lý do khiến nhiều hộ dân không chịu vào sinh sống, tìm cách sang nhượng trái phép nền, nhà ở của mình sau khi được hỗ trợ đầu tư. Các địa phương vùng lũ dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn “bế tắc” trước bài toán khó này, người dân nghèo không có vốn để tạo sinh kế, làm ăn ổn định cuộc sống và trả nợ ngân hàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng lo lắng: “Việc giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân còn rất khó khăn; đa số có hoàn cảnh nghèo khó, trình độ thấp nên khó đào tạo nghề”. Đại diện Ban chỉ đạo chương trình xây dựng cụm tuyến DCVL tỉnh An Giang nhìn nhận, có 11% số hộ dân vào cụm tuyến dân cư thuộc diện nghèo (11%, với 3.500 hộ) và số cận nghèo cũng khá lớn. Thời gian qua, các ngành các cấp có quan tâm đào tạo nghề nhưng kém hiệu quả vì sau đó không có việc làm.

Ông Đinh Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Thời gian qua, Đồng Tháp đã tổ chức 225 lớp dạy nghề đan đát, thêu may, sửa xe, dệt chiếu… cho hơn 8.300 người dân trong cụm tuyến DCVL, có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để ổn định việc làm, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân cần thực hiện lâu dài, có dự án, chương trình cụ thể, đặc biệt sự nỗ lực, chịu khó của chính người dân”. Vì thế, nhiều địa phương đề xuất xem xét cho người dân trong cụm tuyến DCVL được giãn, hoãn nợ, đồng thời được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhìn nhận: Công ăn việc làm là vấn đề rất lớn. Qua các chuyến khảo sát cho thấy hầu hết bà con sinh sống trong các cụm tuyến DCVL không ruộng đất, không ao hồ, không chăn nuôi, thiếu việc làm. Nhưng cũng có nơi, người dân có việc làm rất tốt, mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ … đời sống khá lên. Vì thế đề xuất giãn, hoãn nợ là có cơ sở nhưng cần phải thực hiện đúng với từng đối tượng cụ thể.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay giai đoạn 1 của chương trình này chỉ cơ bản hoàn tất với 804 cụm, tuyến dân cư, chưa có chỉ tiêu nào đạt 100%. Cụ thể về giao thông nội bộ hoàn thành 99,5%, thoát nước thải 98,5%, cấp nước sinh hoạt 97,3%, điện sinh hoạt 99%. Các địa phương đã xây dựng xong 100.990/11.2286 căn nhà, đạt 92%; bố trí 137.753/149.383 hộ dân vào sinh sống an toàn, đạt 92%. Giai đoạn 2 của chương trình với 176 dự án được triển khai từ năm 2008, vối tổng mức đầu tư 1.383 tỷ đồng; thực hiện khá chậm trễ, khối lượng công việc còn rất lớn. Đến nay, mới hoàn thành việc tôn nền, đắp bờ bao 130/176 dự án (trong đó có 15 dự án chưa thể triển khai). Việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như giao thông, cấp thoát nước, điện mới chỉ hoàn thành 51% - 72%. 6/7 địa phương gồm Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long xây dựng được 11.175 trong tổng số 36.327 căn nhà trong các cụm tuyến dân cư này…

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục