Cung bậc tác quyền nhạc... Trịnh

Năm 2014, Trịnh Công Sơn có lẽ là nhạc sĩ được nhắc đến nhiều nhất bởi những tranh cãi liên quan đến tác quyền bài hát của ông giữa người sở hữu, thừa kế (gia đình), Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và các đơn vị sử dụng. Cuối năm này, tên ông lại tiếp tục đứng đầu danh sách tốp 10 nhạc sĩ có tiền bản quyền cao nhất, dựa trên thống kê của VCPMC mà theo một nguồn thông tin là hơn 1 tỷ đồng thu được.

Năm 2014, Trịnh Công Sơn có lẽ là nhạc sĩ được nhắc đến nhiều nhất bởi những tranh cãi liên quan đến tác quyền bài hát của ông giữa người sở hữu, thừa kế (gia đình), Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và các đơn vị sử dụng. Cuối năm này, tên ông lại tiếp tục đứng đầu danh sách tốp 10 nhạc sĩ có tiền bản quyền cao nhất, dựa trên thống kê của VCPMC mà theo một nguồn thông tin là hơn 1 tỷ đồng thu được.

Cũng sau nhiều tranh cãi từ phát ngôn đến pháp lý xung quanh live show đầu tiên của Khánh Ly - bóng hồng có sức ảnh hưởng lớn trong nhạc Trịnh, tại Việt Nam, giá tác quyền bài hát được chốt lại 250 triệu đồng cho hai đêm diễn tại Hà Nội và Đà Nẵng. Vị chi khoảng 11 triệu đồng/bài, một con số có thể nói là cao kỷ lục trong mặt bằng tác quyền âm nhạc hiện nay (không tính đến chuyện độc quyền ca khúc viết riêng), khó ai có thể vượt qua. Nhưng bên cạnh đó, tác quyền nhạc Trịnh cũng sẵn sàng hạ đến mức 0 đồng cho một dự án với mục đích thiện nguyện.

Mới đây, ca sĩ Nguyễn Hồng Ân đã được gia đình Trịnh Công Sơn cho phép sử dụng miễn phí ca khúc Cát bụi cho dự án album nhạc Ánh sáng từ tâm (sắp tới còn là live show của anh vào giữa tháng 6) để quyên góp hoàn toàn doanh thu cho quỹ cùng tên nhằm mục đích phát tâm, góp phần chia sẻ, giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, người già neo đơn, những người mắc bệnh hiểm nghèo… Bên cạnh nhạc Trịnh Công Sơn, các nhạc sĩ khác như Trần Tiến, Đức Huy, Hoài An… cũng đồng ý cho không tác quyền các bài hát của mình trong album.

Đây là một cái nhìn nhiều chiều cho việc giá thành tác quyền cao - thấp gây tranh cãi gay gắt trong thời gian qua. Với mục đích kinh doanh kiếm lời đơn thuần, vé bán ra đến 3,5 triệu đồng/cặp vé, thì tác quyền 11 triệu đồng/bài hát cũng là một cái giá hợp lý, làm sao có thể so sánh với việc các nhạc sĩ sẵn sàng cho không, biếu không để làm từ thiện.

Sự việc này cũng cho thấy, giới nhạc sĩ, ca sĩ không chỉ biết hét giá, chạy show mà còn âm thầm dành thời gian thực hiện những dự án, sản phẩm với mục đích tốt đẹp, hướng tới cộng đồng. Chính vì thế, giá thành sản phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao hay thấp, lẽ đương nhiên cũng phải tùy vào mục đích khai thác, tùy từng thời điểm...

Nếu không có gì thay đổi, ngày 10-4 sắp tới đây, live show Khánh Ly lại được tổ chức tại Bình Dương; chuyện tác quyền nhạc Trịnh có thể sẽ lại được mang ra bàn tán một lần nữa! Tuy nhiên, một đại diện của Công ty Tổ chức biểu diễn Đồng Dao (đơn vị tổ chức show Khánh Ly) cho hay, giá tác quyền sẽ… rớt xuống thấp hơn con số 11 triệu đồng, vì phía sản xuất sẽ hạ giá vé xuống thấp hơn nhiều so với những lần diễn trước đây. Âu có lẽ cũng là một điều hợp lý trong tình hình live show ca nhạc đang bão hòa hiện nay.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục