Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, vận tải hành khách công cộng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở và tài sản gắn liền với đất (giấy chứng nhận nhà, đất) và cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ (cấp phép xây dựng) sẽ được thực hiện thí điểm tại TPHCM thời gian tới thông qua hình thức cam kết của chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Số liệu khảo sát mới đây cho biết, mỗi ngày khối lượng rác thải rắn sinh hoạt của gần 10 triệu dân TPHCM phát sinh vào khoảng 6.000 tấn. 90% lượng rác thải trên do hệ thống dịch vụ công (30%) và khu vực dân lập (70%) thu gom hàng ngày, trong khi bộ máy, trang bị, phương tiện lại đang trong tình trạng quá tải.
Tương tự, dịch vụ vận tải hành khách công cộng (chủ yếu là xe buýt) hiện cũng đang quá tải với hơn 3.000 xe (từ 17 đến 80 chỗ) hoạt động trên 150 tuyến đường, mỗi ngày chuyên chở được trên 1 triệu hành khách (đạt 8% nhu cầu đi lại). Ở hai lĩnh vực cấp giấy chứng nhận nhà, đất và cấp phép xây dựng, nhiều địa phương thời gian qua tuy có nhiều cố gắng, song vẫn không tránh khỏi tình trạng ách tắc, dẫn đến phiền hà cho người dân.
Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, mỗi năm UBND các quận huyện cấp khoảng 40.000 giấy phép xây dựng. So với nhu cầu của người dân mới chỉ đáp ứng được một nửa. Chính vì vậy, tình trạng xây dựng tự phát không được ngăn chặn và đang diễn biến rất phức tạp tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa cao. Đây được coi là hệ lụy của sự trì trệ, thủ tục rườm rà trong các quy định cấp giấy chứng nhận nhà, đất hiện nay.
Tính đến cuối năm 2010, TP mới chỉ cấp giấy chứng nhận được khoảng 84.500/209.000ha đất (đạt 40% diện tích đất toàn TP). Như vậy, theo ông Quách Hồng Tuyến, nhà, đất và xây dựng có mối liên hệ với nhau về tính pháp lý bảo đảm các quyền của người dân mà chính quyền phải nâng khả năng đáp ứng và từng bước hoàn thiện các điều kiện làm thỏa mãn nhu cầu của họ. Việc làm này còn có ý nghĩa nâng cao hiệu quả quản lý xã hội và thực hiện cam kết của chính quyền đối với nhu cầu thiết yếu của người dân.
Trách nhiệm với người dân
Theo bà Phan Thị Kiều Trang, thành viên nhóm nghiên cứu xây dựng thuộc dự án Hỗ trợ cải cách hành chính TPHCM, nội dung các cam kết cung cấp dịch vụ công, mục tiêu thực hiện 4 lĩnh vực cam kết trên sẽ nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền thông qua việc giám sát của cộng đồng. Theo đó, chính quyền cam kết và thực hiện trách nhiệm với người dân thông qua các tiêu chuẩn, mục tiêu hoạt động cụ thể.
Ví dụ, dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt được phục vụ cho tất cả các hộ dân TP với thời gian, địa điểm phù hợp; nhân viên thu gom rác nhiệt tình, lịch sự và làm việc có hiệu quả... Các cam kết trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận nhà đất và cấp phép xây dựng sẽ đi vào mục tiêu minh bạch, công khai, thái độ tiếp dân của công chức tận tình, lịch sự, thủ tục đơn giản, giảm chi phí, giảm thời gian giải quyết hồ sơ và tăng sự hài lòng của người dân.
Trong các đề xuất thực hiện mục tiêu của 4 lĩnh vực trên, các chuyên gia nghiên cứu chú trọng đến việc thành lập hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của người dân. Giải pháp này, theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, là cách đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ và thẩm định các cam kết của chính quyền tốt nhất. Qua đó, hướng đến việc mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân ở tất cả các lĩnh vực, làm cho mọi người thấy được trách nhiệm và hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền mang lại.
Một số chỉ tiêu cam kết (Nguồn: Dự án Hỗ trợ cải cách hành chính TPHCM) |
HOÀI NAM