Mệt mỏi, cáu gắt…
“Viết bài xong chưa? Học tiếng Anh đi! Ăn cơm sao cứ ngậm hoài, không nhai hả?”, đó là điệp khúc mắng mỏ của chị Phương Oanh (ngụ ở quận Tân Phú, TPHCM) dành cho cậu con trai út 8 tuổi. Chị Oanh tâm sự, cả hai vợ chồng đều làm việc ở Đồng Nai, có xe công ty đi đón hàng ngày, nên mọi việc chăm sóc 2 con nhỏ đều trông cậy ông bà ngoại hoặc người giúp việc. Riêng việc học hành của tụi trẻ, chị Oanh vẫn phải quán xuyến, thúc giục. Công việc áp lực nên thỉnh thoảng vợ chồng chị này cáu gắt đổ dồn lên đầu tụi nhỏ, khiến bọn trẻ cũng mệt mỏi theo. “Ở trường thầy cô rầy la, về nhà ông bà, ba mẹ quát mắng vì không chịu ăn uống, học hành… Con buồn lắm!”, con trai nhỏ chị Oanh nói.
Thực ra, đâu chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng rất dị ứng với những câu mệnh lệnh mang tính áp đặt. Người lớn ra lệnh, buộc trẻ phải làm, thậm chí dùng roi vọt để ép và dẫn chứng “thương cho roi cho vọt”. Ba mẹ của họ (ông bà của những đứa trẻ) cũng tự mày mò, dạy con cái dựa vào kinh nghiệm sẵn có mà thôi. Nên có chuyện, bà quát một tiếng, cháu cãi lại một câu, khiến cả nhà ồn ào như cái chợ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Quyên, 73 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) kể câu chuyện, cuối tuần nào hàng xóm nhà bà cũng phải nghe những tiếng lảnh lót của đứa cháu 10 tuổi cãi trả bà ngay trong xóm. Lý do, bà ngoại ép cháu phải ăn hết tô cơm vật vã, uống ly sữa to đùng. Chưa được nghỉ ngơi, cháu nhỏ phải ngồi vào bàn học đủ thứ… Chịu không nổi, đứa nhỏ bắt đầu gào lên, nói rằng mình không phải cái máy và muốn được tôn trọng thì ngoại giận quá la lớn kêu cháu hỗn hào. Bà Quyên cảm thán rằng, đến bà nghe còn mệt mỏi và cũng thấy tội cho đứa cháu và cũng thương cho ngoại của nó. “Không cần phải cầu toàn, vì việc ăn, việc học của trẻ phải để chúng tự quyết. Người lớn chúng mình chỉ gợi ý và định hướng thôi. Áp đặt chi cho mệt vậy”, bà Quyên nhận định.
“Buông tay” đúng lúc
Nhiều chuyên gia tâm lý phân tích, lứa tuổi từ 7-12 tuổi, là độ tuổi ẩm ương, dễ khủng hoảng tâm lý. Bởi lúc này trẻ muốn sống theo bản năng, được chứng tỏ chính mình nên khó bảo. Chẳng hạn như, trẻ muốn được thương yêu, vỗ về. Nên mối quan hệ gắn kết giữa mẹ và con ở lứa tuổi này rất quan trọng, giúp trẻ xây dựng niềm tin với thế giới xung quanh. Nếu tình mẫu tử bị thờ ơ, trẻ dễ rơi vào cảm giác bất an, lo lắng…
Với lứa tuổi từ 7-12, các bé đã đi học. Trong đó, khủng hoảng ở lứa tuổi lên 6 khá phổ biến bởi đây là giai đoạn chuyển tiếp từ mẫu giáo vào lớp 1 khiến trẻ mệt mỏi. Lúc này các bé còn lưu giữ nhiều nét tính cách tuổi mẫu giáo, nhưng phải thay đổi thật nhanh để bắt nhịp với học sinh lớp 1 cũng khiến trẻ lo sợ, cần thời gian để thích nghi với giờ giấc sinh hoạt, quy tắc ứng xử mới, phương pháp học tập… Thêm nữa, ở lứa tuổi dậy thì 13-14 tuổi, cũng là giai đoạn “nổi loạn” của không ít trẻ.
Nguyễn Bích Ngọc, học sinh lớp 8 (ngụ đường Tô Ký, quận 12) tâm sự rằng, ở trường có nhiều bạn gái cùng khối dùng son môi, trang điểm nhẹ đến trường. Số khác đã có người yêu. Theo Bích Ngọc thì: “Mấy đứa bạn con dùng son môi nhạt màu vì sợ thầy cô phát hiện. Còn người yêu chúng nó cũng chỉ dám công khai ngoài trường học thôi”. Khi được hỏi, ba mẹ có lo lắng hay không khi con gái làm điệu, có người yêu sớm? Bích Ngọc trả lời rằng ba mẹ luôn quan sát cô bé từ xa chứ không áp đặt, nên có bất kể chuyện gì Ngọc đều tâm sự được với mẹ.
Trẻ con như tấm gương phản chiếu của gia đình. Người lớn bực bội, cáu gắt với chúng, chúng cũng đáp trả y chang, nhất là ở các độ tuổi khủng hoảng nêu trên. Với những đứa trẻ có khả năng chịu đựng để yên cho ba mẹ, ông bà quát mắng, thậm chí sử dụng đòn roi với mình, không đồng nghĩa đó là trẻ ngoan và không bị áp lực. Bởi nhiều khả năng khủng hoảng “lặn” vào trong và một khi bật ngược trở lại sẽ gây hậu quả không lường hết được.
Mới đây, bà Quyên thông tin rằng thật bất ngờ khi hai bà cháu nhà hàng xóm đã không còn hục hặc nữa. Chưa kể, đứa nhỏ tự dưng ngoan ngoãn, biết nghe lời hơn và bà ngoại cũng không cần hò hét, ép cháu ăn uống. Hỏi ra mới biết, cậu con rể tâm lý mua vé cho mẹ vợ đi du lịch cùng bạn bè 10 ngày. “Bạn già tâm sự với nhau qua chuyến đi khiến bà hàng xóm nhận ra rằng, chỉ cần quan tâm, yêu thương trẻ theo cách trẻ muốn là đủ chứ không phải cách mình áp đặt. Chỉ cần vậy thôi, gia đình tự nhiên yên ổn”, bà Quyên nói.