Cùng con vượt qua khủng hoảng

Không chỉ trong độ tuổi dậy thì, trẻ từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành sẽ phải trải qua rất nhiều giai đoạn khủng hoảng khác nhau. Ai cũng hiểu cha mẹ luôn luôn nên là người bạn để sẻ chia với con, nhưng để làm được điều đó không dễ dàng.

Cha mẹ nên làm bạn với con cái để thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cha mẹ nên làm bạn với con cái để thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Khi cậu con trai đã bước qua tuổi lên 3, cuốn nhật ký của chị Minh Anh (ngụ quận 3, TPHCM) mỗi ngày lại dày thêm những trang viết mới. Chị tâm sự: “Từ giai đoạn mang thai, tôi đã bắt đầu viết nhật ký cho con như một thói quen để sau này lớn lên, bé sẽ có cơ hội đọc lại hành trình trưởng thành của mình. Trong hành trình ấy, ở những giai đoạn khủng hoảng, ba mẹ đã đồng hành, cùng con vượt qua có biết bao nhiêu tình yêu thương, nước mắt”.

Lật lại những trang viết nhật ký gần đây khi con tròn tuổi lên 3, chị không nhịn được cười. “Con lì lợm, thường nói không nghe lời, thích chống đối và làm theo ý mình. Thậm chí, khi không được vừa ý, con biểu hiện rất mạnh như bỏ chạy ra chỗ khác, la hét và cả khóc to lên”, trong cuốn nhật ký viết.

Trước khi bé được 3 tuổi, những dòng chị Minh Anh viết cho con vào các thời điểm wonder weeks (thuật ngữ dùng để mô tả các giai đoạn phát triển mạnh mẽ của trẻ sơ sinh) là nhiều cảm xúc nhất. Chị vẫn hay gọi đó là “tuần khủng hoảng”. Bé dễ quấy khóc và hay khóc bất ngờ; bé ăn ít, chán ăn, bỏ ăn; bé bám ba mẹ cả ngày; bé thay đổi tâm trạng liên tục; bé hay ăn vạ... là những gì chị nhận thấy khi con rơi vào khủng hoảng.

Theo nhẩm tính của chị Minh Anh, thời gian khủng hoảng của con gần như chính xác so với những thống kê trung bình. Đó là khi bé 5 tuần, 8 tuần, 12 tuần, 17 tuần, 26 tuần, 36 tuần… Ngoài ra, cũng không hiếm gặp trường hợp những tuần khủng hoảng phát sinh khác.

2. Khủng hoảng vì con là những trải nghiệm mà chị Ngọc Liên (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đang trải qua. Chị kể: “Tôi có con gái học lớp 6 (gần 12 tuổi), đang ở tuổi dậy thì. Trước đây cháu rất ngoan, hợp tác với mẹ trong gia đình, yêu thương em gái 4 tuổi. Nhưng khi đến tuổi dậy thì, cháu đòi hỏi sự công bằng với tất cả thành viên trong gia đình. Cháu trở nên ghét em, đòi bố mẹ phải đối xử công bằng như em, không được bênh em…”.

Theo chị Ngọc Liên, đỉnh điểm câu chuyện là khi con gái có ý định “lập lại trật tự” gia đình. Thậm chí, khi mẹ vắng nhà, nhiều hôm con gái còn để em khóc, ói đầy nhà như một cách lên mặt chị gái để dạy dỗ em. Các biểu hiện khác của tuổi dậy thì có thể kể đến: tính tình dễ cáu giận, dễ khóc; thích vẽ tranh nhưng không khoe bố mẹ mà giấu đi; thích thú khi bắt lỗi mẹ; cãi tay đôi với mẹ…

“Điều khiến tôi lo lắng nhất là khi con gái dậy thì sớm nhưng lại chưa hoàn toàn tự lập, chưa biết chăm sóc bản thân. Lúc nào tôi cũng chỉ mong con biết yêu thương và sẻ chia”, chị Ngọc Liên bày tỏ.

3. Trên thực tế ai cũng hiểu các giai đoạn khủng hoảng là những cột mốc tất yếu trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến khi trở thành người lớn. Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, con cái được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, các bậc cha mẹ càng có nhiều sự quan tâm, tìm hiểu các giai đoạn khủng hoảng của con.

“Có những lúc tôi cảm thấy bất lực, không thể trò chuyện cùng con”, chị Ngọc Liên kể. Còn với chị Minh Anh, một số thời điểm con trải qua wonder weeks, chị gần như kiệt sức vì cứ đêm là bé thức, khóc thét, đòi bế đi rong, thậm chí chỉ ngủ khi nằm trên bụng mẹ. Sau những bỡ ngỡ ban đầu vì con đang rất ngoan bỗng dưng đổi tính, chị Minh Anh tìm hiểu và biết được đó là thời điểm khủng hoảng của con nên đã chuẩn bị sẵn tâm lý cũng như sức khỏe, tinh thần. Theo chị, trước các phản xạ đó, mình chỉ còn cách “thuận theo tự nhiên”, chấp nhận và vượt qua theo cách nhẹ nhàng nhất.

Theo chị, mình càng cố gồng lên thì càng dễ mất bình tĩnh, dễ rơi vào cáu gắt, thậm chí la mắng, bỏ mặc con và có thể trầm cảm sau sinh. Còn với chị Ngọc Liên, kinh nghiệm được chia sẻ đó là hạn chế va chạm những khi con nổi nóng. Bởi theo chị: “Vì bé luôn tỏ thái độ với mẹ nên dù có nói gì thì con cũng sẽ không nghe. Vào những lúc như thế, mình nói gì cũng thành vô ích. Khi đó, tôi sẽ trao trách nhiệm cho ông xã vì bé dễ lắng nghe và chia sẻ với ba nhiều hơn. Khi nào bé thật sự bình tâm lại, hai mẹ con cố gắng thủ thỉ với nhau. Tôi rất hiểu con mình có cá tính mạnh và đang ở giai đoạn dậy thì nên không phải cứ cứng rắn là giải quyết được vấn đề”.

Một điều rất quan trọng, vì giữa cha mẹ với con cái luôn có những khoảng cách thế hệ nên không thể áp đặt cách nuôi, dạy con của thế hệ trước với thế hệ sau. Có lẽ, trong mọi trường hợp khủng hoảng của con, cách tốt nhất là “mềm nắn, rắn buông”. Ai cũng hiểu cách tốt nhất là cha mẹ nên làm bạn với con cái để thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia; nhưng với từng đứa trẻ, từng gia đình sẽ luôn có những cách khác nhau để ba mẹ cùng con vượt qua khủng hoảng.

Tin cùng chuyên mục