Cùng nhau vượt nghèo

Cùng nhau vượt nghèo

Nhiều năm qua, huyện Hóc Môn (TPHCM) được xem là một trong những địa phương nổi bật trong phong trào “giảm hộ nghèo, tăng hộ khá”. Về Hóc Môn những ngày đầu năm Tân Mão, chúng tôi có dịp gặp những gương mặt vượt nghèo nổi bật…

1. Nói đến cơ sở dệt len theo mô hình kinh tế hộ gia đình của vợ chồng chị Lê Thị Kim Thu (39 tuổi) ngụ tại khu phố 1, Hóc Môn, không người dân nào trong tổ 22 mà không biết. Nhiều người còn nhớ cách đây hơn chục năm, hai vợ chồng chị chỉ là những công nhân dệt len bình thường của Công ty Magikong (quận 12). Thu nhập hàng tháng cộng lại của hai người chưa tới 2 triệu đồng. Cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm chật vật khi đứa con nhỏ ra đời.

Sau một thời gian “trắng mắt” trăn trở suy tính kế sinh nhai, sẵn có tay nghề, chị Thu và chồng quyết định vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo của phường để mua sắm máy dệt len nhận hàng gia công tại nhà - đó là vào đầu năm 2004.

Bà Tiêu Phi Phụng giới thiệu tính năng của máy dệt lưới với khách. Ảnh: LÊ ĐỨC LUÂN

Bà Tiêu Phi Phụng giới thiệu tính năng của máy dệt lưới với khách. Ảnh: LÊ ĐỨC LUÂN

Chí thú làm ăn, từ đó đến nay, trải qua 3 lần vay vốn, cơ sở dệt len của chị ngày càng ăn nên làm ra với mức lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Được bạn hàng tin tưởng về uy tín, chất lượng, hiện tại, với 7 máy dệt len chạy hết công suất, cứ cách 3-4 ngày, ông chủ của cơ sở lại tất tả ngược xuôi khắp nơi từ Tân Tạo, Củ Chi, Long An… xuống đến tận khu vực miền Tây nhận hàng về gia công.

Không những vượt nghèo bằng sức lao động chân chính của mình, vợ chồng chị Thu còn tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động nữ hoàn cảnh khó khăn tại nơi mình sinh sống với mức thu nhập ổn định từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng.

2. Cũng là một điển hình lao động không biết mệt mỏi để trút bỏ cái nghèo như chị Thu nhưng anh Dương Văn Khánh (41 tuổi) ở ấp 3 xã Xuân Thới Thượng lại làm nên cơ nghiệp từ bò sữa. Thời còn đang tuổi thanh niên sức vóc tràn trề, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh Khánh phải nghỉ học bước ra đời kiếm sống. Gần chục năm dang nắng phụ hồ đã rèn cho anh tính chịu khó không quản ngại công việc nặng nhọc. Khốn nỗi đồng tiền làm ra không thể chắt chiu được chút nào.

Đến tận khi đã lập gia đình, có con, vợ chồng anh Khánh vẫn nghèo hoàn nghèo. Quyết không chịu thua số phận, anh bàn với vợ quyết định vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo tại địa phương 4 triệu đồng cộng với số tiền 3 triệu đồng ít ỏi có được để mua bò sữa về nuôi. Cố gắng cuối cùng trên con đường mưu sinh gian khó của vợ chồng anh Khánh đã mang lại kết quả. Với cặp bò sữa đầu tiên, chưa đầy 3 năm sau gia đình anh đã trả đủ số tiền vay cho địa phương.

Sau 7 năm cần cù chăm bẵm, đàn bò sinh sôi nảy nở nhanh. Hiện với 10 con bò sữa, trung bình mỗi ngày anh bán cho các trạm chế biến sữa từ 60 đến 65 lít, trừ hết chi phí, gia đình anh lời được 6-7 triệu đồng/tháng. Chỉ tay vào căn nhà mới khang trang, anh Khánh khoe là vừa xây cuối năm 2010 với số tiền 150 triệu đồng từ tiền lời bán sữa.

3. Cùng với chị Thu, anh Khánh, bà Tiêu Phi Phụng (56 tuổi) ngụ tại ấp Tân Tiến, xã Xuân Thới Đông tiếp tục chia sẻ với chúng tôi bài học về nghị lực sống. Bà Phụng vốn quê ở Cà Mau, hàng chục năm quần quật bên thửa ruộng, mảnh vườn mà vẫn không đủ ăn. Đầu năm 1990 bà cùng chồng con lên TP Hồ Chí Minh làm ăn. Dừng chân định cư tại ấp Tân Tiến làm thuê, làm mướn chưa bao lâu thì chồng bà qua đời vì tai nạn giao thông bỏ lại 3 mẹ con không nhà cửa, không tài sản. Cảm thương trước hoàn cảnh éo le của bà, ban chủ nhiệm hợp tác xã đã cho 3 mẹ con mượn một cái kho cũ làm nơi tá túc.

Không những vậy, hàng xóm trong ấp còn chỉ dẫn nghề dệt lưới, đưa cước và ống chỉ cho bà về đánh ống kiếm tiền đổi gạo sống qua ngày. Mười mấy năm sau, khi đã cứng nghề, từ nguồn vốn vay của các chương trình hỗ trợ hộ nghèo và tiền dành dụm được chút ít, năm 2005, bà Phụng đã tậu hẳn một cỗ máy dệt lưới cũ trị giá hơn 80 triệu đồng.

Từ lúc “cơ khí hóa” đến nay, mỗi ngày cơ sở dệt lưới của bà Phụng cung cấp cho các đầu mối trong khu vực hơn 20kg lưới thành phẩm. Ý chí biết vượt qua nỗi đau, vươn lên làm chủ vận mệnh, chịu đựng nhọc nhằn suốt 20 năm nuôi 2 con ăn học thành tài của bà Tiêu Phi Phụng được nhiều người dân địa phương cảm phục và xem là điển hình về tấm gương vượt khó.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn, chị Thu, anh Khánh và bà Phụng là một trong số rất nhiều những mảnh đời đã vươn lên và thành đạt trong gian khó bằng lòng tự trọng, bằng chính khả năng của mình ngay trên mảnh đất 18 thôn Vườn Trầu lịch sử này. Họ là những bông hoa đẹp xứng đáng được xã hội trân trọng, tôn vinh, học tập.

Chủ trương của huyện trong thời gian sắp tới là tăng thu nhập của các hộ dân nghèo bằng cách giúp vốn kinh doanh sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật và định hướng liên kết với hội doanh nghiệp huyện đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho các gia đình khó khăn.

MAI NGUYỄN – ĐỨC CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục