Cách đây hơn 10 năm, điện thoại di động vẫn là dịch vụ xa xỉ dành cho người có thu nhập cao, thậm chí phải là người giàu có… Giờ đây, di động như… cơm sườn của miền Nam hay phở ở miền Bắc và mì Quảng ở miền Trung, tức là đã quá bình dân. Điều này khiến có thuyết cho rằng di động đã “xuống đáy”, không còn gì khai thác. Nhưng thực tế không phải như vậy, mà thị trường di động sắp sang trang mới. Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ tạo ra “cuộc cách mạng” kế tiếp?
Chưa chắc chắn về tương lai, nhưng nhìn vào thị trường di động đã qua, khi Viettel xuất hiện, điện thoại di động được phổ cập cho mọi người là điều không thể chối cãi. Nên “cuộc cách mạng” di động tiếp theo nhìn từ Viettel cũng là điều cần thiết. Ngay trước khi Viettel tham gia thị trường thông tin di động vào đầu những năm 2000, cước điện thoại di động cao ở mức khủng khiếp, giá 1 phút gọi đi thấp nhất là 3.500 đồng (nội vùng) và cao nhất là 8.000 đồng (cách vùng). Một bát phở ngon thời đó ở TP cũng chỉ 2.000 - 3.000 đồng. Nếu tính trung bình, chỉ cần gọi một cuộc điện thoại ngắn nhất, người tiêu dùng đã thổi bay khoảng 2 bát phở (lúc đó tính cước theo block 1 phút).
Ngày nay nghe gọi trên di động đã trở nên quá bình thường
Năm 2004, khi Viettel gia nhập thị trường, mọi việc gần như thay đổi hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn. Điều đầu tiên dễ nhận thấy là cước giảm liên tục, block không còn là 1 phút mà theo tính 6 giây (cách tính của Viettel), di động không chỉ người giàu mới dùng được mà xe ôm, công nhân, ô sin, học sinh, sinh viên… đều có thể dùng. Từ “cú hích” Viettel, các nhà mạng khác cùng lao vào cuộc đua bán hàng xa xỉ cho tất cả mọi người cùng dùng.
Ngày ấy, tổng số thuê bao di động Việt Nam chỉ khoảng 2 triệu nhưng nay đã 20 triệu. Trước đây, việc gọi di động ở những vùng quê hẻo lánh sẽ khó thực hiện và nếu là truy cập internet trên di động tại các miền núi cao, hay trên biển cách đất liền cả chục kilômét, hoặc hải đảo xa xôi là điều không tưởng thì nay trở nên quá bình thường. Những điều này sẽ khó có thể xảy ra nếu không có nhà mạng với đầu số 098 xuất hiện 12 năm trước đây.
Nếu như trước đây di động chỉ là nghe, gọi thì hiện nay đó chỉ là chức năng cơ bản. Việc dùng di động để làm việc, giải trí, hay sử dụng như một công cụ để thanh toán các giao dịch hàng ngày (điện, nước, điện thoại) hay mua sắm… đã trở nên quen thuộc với hàng triệu người. Tức ngành công nghiệp thông tin di động đang đứng trước một trang mới. Thời di động chỉ để nghe, gọi đã qua, ứng dụng di động giải quyết công việc hàng ngày đang có nhiều lựa chọn và thời đại của IoT (Internet of Things) đã đến. Di động trở thành công cụ - phương tiện cho hàng trăm điều khiển khác, từ khóa cửa nhà, mở cửa ô tô, kiểm tra chất lượng không khí… và đó sẽ là dịch vụ - ứng dụng chủ chốt. Chưa hết, sự xuất hiện của 4G (dự báo cấp phép trong năm 2016 này) cũng sẽ làm thay đổi cuộc chơi giữa các mạng di động và cách người dùng trải nghiệm các dịch vụ với dữ liệu trên di động. Như thế, Viettel liệu sẽ tạo ra sự thay đổi mới, một “cuộc cách mạng” lần thứ hai cho ngành thông tin di động thời 4G và IoT hay không, đó là một thách thức!
BÁ TÂN