Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ kể từ ngày 11-9 tới nay mang đậm dấu ấn của chiến tranh sau những gì xảy ra ở Afghanistan, Iraq, Yemen… Nói cách khác, Washington luôn theo nguyên tắc dùng bạo lực chống bạo lực. Điều này có thể mang lại một số lợi ích cho Mỹ, trong đó có việc tiêu diệt tức thời vài ổ khủng bố, giải phóng kho vũ khí cũ và thử nghiệm vũ khí mới. Tuy nhiên, mục tiêu loại trừ cái gốc của khủng bố xem ra vẫn còn xa vời khi không ít thanh niên Mỹ bỏ mạng nơi chiến trường. Đó cũng là nguyên nhân vì sao người dân Mỹ đã quá chán ngán chiến tranh.
“Sức mạnh mềm”, thuật ngữ mà bà Hillary Clinton sử dụng khi còn làm Ngoại trưởng, cho tới nay dường như chưa thật sự phát huy hiệu quả trong việc giải quyết các mối quan hệ quốc tế của Mỹ, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố. Washington vẫn phải dùng sức mạnh quân sự hoặc răn đe quân sự để chống quân khủng bố, kèm theo đó là chiến lược theo dõi thông tin tình báo toàn cầu gây căng thẳng tại nhiều quốc gia. Những nơi Mỹ dùng chiến tranh để giải quyết khủng bố cho tới nay khủng bố còn nhiều hơn trước, để lại nhiều hậu quả khó lường cho người dân bản xứ, cụ thể là các vụ đánh bom xảy ra hàng ngày tại Iraq và Afghanistan.
Dùng bom đạn chưa mang lại hiệu quả, giờ đây Mỹ đang thử nghiệm mô hình mới nhắm vào việc thay đổi tư duy những thanh niên Hồi giáo, những người có rất nhiều khả năng trở thành các phần tử khủng bố. Mỹ vừa ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, chi thêm 200 triệu USD cho quỹ toàn cầu để chống khủng bố với mục tiêu hướng các thanh niên Hồi giáo không theo con đường cực đoan, hay nói cách khác là làm cho họ trở nên ôn hòa. Mỹ dựa vào các chương trình tương tự đã có từ các nước Saudi Arabia, Singapore và Indonesia. Thông qua việc giáo dục và hướng nghiệp, Mỹ hy vọng có thể giúp nhiều thanh niên Hồi giáo trở thành các học giả hoặc từ bỏ con đường khủng bố, dần thuyết phục những người khác về bản chất không giết người vô tội của Hồi giáo. Quỹ toàn cầu mới cũng sẽ trợ cấp các chương trình đào tạo nghề cho thanh niên Hồi giáo và cung cấp các khóa học về giải quyết xung đột. Tất cả nhằm loại bỏ các loại ý thức hệ cực đoan Hồi giáo có thể tìm thấy trên Internet hoặc nghe tuyên truyền, từ đó có thể ngăn chặn nhiều thanh niên không tham gia các nhóm như al-Qaeda hoặc Taliban. Riêng tại Afghanistan, Mỹ từng tung ra một chương trình chi tiền cho các chiến binh Taliban cấp thấp để họ đào thoát. Tuy nhiên, không phải tất cả các chương trình tương tự ở các nước Hồi giáo đã thành công.
Không chỉ tại các nước Hồi giáo, theo báo Christian Science Monitor, Lầu Năm Góc gần đây đã chi 4,5 triệu USD cho các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland để tìm cách huấn luyện cho thanh niên Mỹ nói không trước những lời mời từ các nhóm cực đoan. Có thể xem đây là một mặt trận mới không tiếng súng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Một cuộc chiến theo lời mô tả của báo chí Mỹ là “cuộc chiến vì các giá trị”, vì mục tiêu là thuyết phục thanh niên Hồi giáo tìm thấy giá trị trong cuộc sống mà không cần tìm đến con đường “tử vì đạo” hay giết hại những người khác. Nhưng để cuộc chiến chống khủng bố thật sự không còn tiếng súng, xem ra Mỹ còn nhiều việc phải làm.
THỤY VŨ