Cuộc đua âm nhạc trực tuyến

434.695.663.626 là số lượt tải các chuyên trang âm nhạc trực tuyến: Spotify, YouTube, Vevo, Sound Cloud, Vimeo và Rdio. Con số này tăng 95% so với năm 2013 và 363% so với năm 2012. Theo đà tăng trưởng hiện nay, chắc chắn sẽ có những bước đột phá mới bởi âm nhạc trực tuyến đang là tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới, nhất là tại Mỹ.
Cuộc đua âm nhạc trực tuyến

434.695.663.626 là số lượt tải các chuyên trang âm nhạc trực tuyến: Spotify, YouTube, Vevo, Sound Cloud, Vimeo và Rdio. Con số này tăng 95% so với năm 2013 và 363% so với năm 2012. Theo đà tăng trưởng hiện nay, chắc chắn sẽ có những bước đột phá mới bởi âm nhạc trực tuyến đang là tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới, nhất là tại Mỹ.

Liên quan đến âm nhạc trực tuyến, mới đây nhất, “đại gia” làng nhạc thế giới Jay Z quyết định bỏ ra 54 triệu USD để mua lại Tidal - một website nổi tiếng trong lĩnh vực này với tham vọng bảo vệ và đem đến cho các nghệ sĩ nhiều quyền lợi hơn trong việc quảng bá âm nhạc của họ. Tidal đòi hỏi người dùng phải đăng ký thuê bao để truy cập dịch vụ với chất lượng âm thanh cực kỳ tốt, các video âm nhạc trực tuyến với định dạng HD. Tuy Tidal không cung cấp phiên bản miễn phí nhưng có thể nghe thử miễn phí trong 30 ngày trước khi quyết định đăng ký các gói cước với mức giá 9,99 USD - 19,99 USD, tùy thuộc vào chất lượng dịch vụ mà bạn lựa chọn.

“Đại gia” làng nhạc thế giới Jay Z vừa bỏ ra 54 triệu USD mua lại website chuyên về dịch vụ âm nhạc trực tuyến Tidal.

Thực tế cho thấy, các dịch vụ âm nhạc trực tuyến hiện nay có khá nhiều điểm chung. Điểm qua một số dịch vụ nổi tiếng như: Spotify, Deezer, Rdio, SoundCloud, Napster, Grooveshark, FNAC Jukebox, Google Music... hầu hết đều có gói miễn phí hoặc cho người sử dụng dùng thử miễn phí. Tuy nhiên, các phiên bản miễn phí còn nhiều hạn chế so với phiên bản trả tiền. Đặc biệt người dùng phải chấp nhận chất lượng dịch vụ kém hơn và sự xuất hiện của quảng cáo trong quá trình sử dụng. Mức giá của các dịch vụ này dao động 5 USD - 25 USD/tháng. Cá biệt chỉ có SoundCloud là dịch vụ hoàn toàn miễn phí.

Làn sóng dịch vụ âm nhạc trực tuyến hiện cũng phải đối đầu với một đối thủ không hề nhỏ là phát thanh internet (internet radio). Ở lĩnh vực này, Pandora được coi là “đại gia” lớn nhất. Theo tính toán, Pandora kiếm được khoảng 45,97 USD cho 1.000 giờ trên sóng. Nếu lấy con số bình quân tại thị trường Mỹ, mỗi người nghe phát thanh internet khoảng 48 giờ/tháng nhân chia theo tỷ lệ như trên thì người tiêu dùng phải trả 2,21 USD. Trong tổng số 93% người dân Mỹ thường xuyên nghe nhạc, Pandora luôn có 298 triệu khách hàng tiềm năng. Thực tế, họ hiện có đến 250 triệu người dùng khắp thế giới. Hiện tại, giá trị thương hiệu của Pandora đã đạt 3,6 tỷ USD.

Hiện nay, mọi người thường có xu hướng đưa tất cả dịch vụ âm nhạc trực tuyến và phát thanh internet vào một nhóm. Tuy nhiên, đó là một sai lầm bởi chúng hoàn toàn khác nhau từ quy mô thị trường, mô hình kinh doanh, thuế tài nguyên... Phát thanh internet, những gì mà các nhà khai thác như Pandora, Clear Channel’s iHeartRadio, 8tracks, Songza, Slacker... đang theo đuổi là hình thức mang tính ngẫu nhiên khá cao. Trong khi đó, với dịch vụ âm nhạc trực tuyến như: Spotify, Deezer, Rhapsody, Rdio..., người nghe có quyền chọn một bài hát cụ thể, album hoặc nghệ sĩ mình yêu thích để thưởng thức. Tuy nhiên, phát thanh internet đang tràn trề cơ hội tiếm ngôi đầu, bởi nó đang được coi là thị trường hút quảng cáo lớn nhất trong tương lai.

Sự phát triển như vũ bão của các dịch vụ âm nhạc trực tuyến không hoàn toàn suôn sẻ. Mới đây nhất, các chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc hé lộ rằng việc sử dụng nhạc miễn phí có thể sẽ sớm biến mất. Trước tình trạng phát triển hỗn loạn, những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp này đang nỗ lực làm mọi thứ để lấy lại doanh số bán hàng đã mất do vi phạm bản quyền. Khá nhiều người đổ lỗi cho các dịch vụ âm nhạc trực tuyến miễn phí là căn nguyên khiến doanh thu của các thương hiệu lớn sụt giảm. Thậm chí, họ lên kế hoạch khiến những đại gia lớn như YouTube hay Spotify sẽ phải xóa sổ hình thức miễn phí, buộc người dùng phải trả tiền nếu muốn truy cập, nghe, tải nhạc...

Việc vi phạm bản quyền từng tác động mạnh đến doanh số bán album khiến ngành công nghiệp này buộc phải chuyển sang kỷ nguyên âm nhạc kỹ thuật số. Và hiện nay, bước chuyển sang các dịch vụ âm nhạc trực tuyến đang là mối đe dọa lớn đối với doanh số bán hàng âm nhạc kỹ thuật số. Đối với các hãng thu âm, đây là xu hướng không tốt bởi họ kiếm được ít tiền bản quyền hơn, doanh số bán hàng giảm sút mạnh mẽ. Bob Lefsetz, một nhà phê bình âm nhạc tiết lộ, Apple hiện đang làm việc với các hãng thu âm để có thể làm chậm bớt sự phát triển của dịch vụ âm nhạc trực tuyến. Điều này chắc chắn là một thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp âm nhạc.

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục