Cuộc hẹn với... bên kia Sông Hồng

Nói về Hà Nội, đất Thăng Long - Kẻ Chợ, từ xưa đến nay, phải nhắc đến sông Hồng. Con sông đã tạo ra “bên kia sông Hồng” từ xa xưa, và nay những cây cầu đã nối liền đôi bờ, là chứng nhân lịch sử sự phát triển của Thủ đô.

Sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội dài khoảng 120km. PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ, một nhà sử học chuyên nghiên cứu về Hà Nội, từng nhận định, Hà Nội như chính con sông Hồng, luôn biến đổi và trường tồn với những vẻ đẹp riêng biệt qua năm tháng! Nói cách khác, sông Hồng là một phần không thể tách rời, là máu thịt, thậm chí là linh hồn của vùng đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Qua những biến đổi, sông Hồng vẫn luôn chung thủy, trầm mặc giữa vùng đất kinh kỳ này, cho dù đó là mùa lũ hay mùa cạn. Nhưng trên bờ sông, cuộc sống và con người không ngừng đổi mới, phát triển. Và chuyện cầu phao hay những chuyến phà, con đò qua sông Hồng đang dần rơi vào dĩ vãng.

cau-long-bien-3-4641.jpg
Cầu Long Biên, cây cầu lâu đời nhất bắc qua sông Hồng ở Hà Nội. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Hà Nội và sông Hồng ngày nay đã khác xưa nhiều về diện mạo. Gia Lâm và Đông Anh sắp lên quận sau khi Long Biên thành quận năm 2003. Khái niệm “bên kia sông Hồng” ở Hà Nội gần như không còn. Hàng loạt khu đô thị mới, hiện đại bên bờ Bắc sông Hồng, phía Đông Hà Nội, sầm uất, tấp nập không khác gì nội đô. Nói không quá, đó chính là nhờ những cây cầu bắc ngang, nối liền đôi bờ sông Hồng ở Hà Nội, không còn “cách trở đò giang”.

Khoảng 20 năm trước, “dự án sông Hồng” được nêu ra, với mong muốn phát triển Hà Nội như thủ đô Seoul của Hàn Quốc (sông Hàn chảy qua Seoul chỉ khoảng 40km, nhưng có tới 25 cây cầu), lấy sông Hồng làm trung tâm, phát triển hai bờ đồng bộ, hiện đại. Tiếc là dự án bất thành vì nhiều lý do.

Hiện, Hà Nội có 120km sông Hồng chảy qua, nhưng chỉ mới có 8 cây cầu: Văn Lang, Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Thực tế, đến khi có các cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, phía Bắc sông Hồng, phía Đông Hà Nội mới phát triển được như hôm nay, dù chưa đúng kỳ vọng. Điều đó đồng nghĩa, nếu có thêm những cây cầu, chắc Hà Nội sẽ có thêm những thay đổi lớn; đôi bờ sông Hồng chắc vui tươi, tấp nập hơn bây giờ. Và những cầu hiện nay sẽ không “oằn mình” vì quá tải, ùn tắc hàng ngày.

Theo Quy hoạch Giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ làm thêm 9 cây cầu qua sông Hồng. Khi đó, 17 cây cầu này không chỉ giải quyết vấn đề giao thông, mà còn giúp đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế.

Sông Hồng mang trong mình phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ; và cũng mang trong dòng chảy của mình bao huyền tích, giai thoại, sự thật lịch sử của đất Thăng Long - Hà Nội từ ngàn xưa đến nay. Cả một Hồ Tây mênh mang nên thơ đến Hồ Gươm linh thiêng đều do sông Hồng “sinh ra” sau những cuộc chuyển dòng trong lịch sử. Cùng sông Hồng, những cây cầu sẽ là nhân chứng lịch sử phát triển của thủ đô ngàn năm văn hiến. Những cây cầu nối liền đôi bờ, đem lại niềm vui, sự hạnh phúc thực sự cho mỗi một người dân.

Tin cùng chuyên mục